Joseph Brodsky sinh năm 1940 ở Leningrad và định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1972 sau khi bị chính quyền Liên Xô trục xuất. Ông được trao giải phê bình của Hiệp hội Nhà Phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 1986 và giải Nobel văn chương năm 1987, sau đó được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ từ năm 1991 đến năm 1992. Ông qua đời ở New York City năm 1996.
Những cái mặt lạ lùng nhô ra từ cửa sổ nhà anh,
trong sân của cung điện Gaetani bốc mùi keo dán gỗ,
và quán Gino, nơi cà phê ngon và tôi thường gửi chìa khóa,
đã biến mất. Thế chỗ cho Gino
là một tiệm bu tích: nó bán cà vạt và vớ,
cần thiết hơn cả anh ta lẫn chúng ta,
từ bất cứ quan điểm nào. Và anh đang ở rất xa ở Tunisia
hay ở Libya, ngắm mặt trái của những con sóng
chạy như đăng ten dọc theo bờ biển Ý:
gần như Septimius Severus. Tôi không nghĩ tất cả
có thể đổ lỗi cho tiền bạc, dòng chảy của thời gian, hay tôi.
Dẫu sao đi nữa, cũng không ít khả năng
là cái sự vô tri vô giác nổi tiếng
của không gian, mệt mỏi với sự bất tận
tàn ác của nó, tìm cho mình một chỗ trú ẩn
trần gian, và chúng ta ở ngay đó. Và người ta nên biết ơn
khi nó giam mình vào trong một căn hộ,
vài nét mặt hoặc một phần bộ não,
thay vì đẩy chúng ta thẳng xuống dưới
như nó đã làm với bố mẹ, em trai và em gái, với D.
Cái nút chuông cửa chỉ là một miệng núi lửa
thu nhỏ, há mồm một cách khiêm tốn sau
cái chạm của không gian, những mảnh thiên thạch,
và các lối vào rải đầy thứ đậu mùa của thế giới khác ấy.
Tóm lại, chúng ta đã không gặp nhau. Tôi sợ sẽ không sớm
có một cơ hội khác. Có thể, không bao giờ.
Đừng buồn: tôi không nghĩ mình có thể
tiết lộ với anh điều gì hơn Sirius có thể với Canopus,
mặc dù chính ở đây, nơi trước cửa nhà anh,
chúng va vào nhau giữa ánh sáng ban ngày,
và không phải dưới màn đêm cảnh giác, chồm lấy kính thiên văn.
Joseph Brodsky, “На виа Фунари” (1995).
Nguyễn Huy Hoàng & Phạm Hà Anh dịch.