Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

“Everything and Nothing” – Jorge Luis Borges

Jorge Luis Borges (1899–1986) là một nhà văn và nhà thơ người Argentina, một nhân vật chủ chốt trong nền văn chương tiếng Tây Ban Nha với những tác phẩm đã trở thành điển phạm của châu Mỹ Latin trong thế kỷ XX. Sách của ông bắt đầu được dịch và xuất bản rộng rãi ở Mỹ và châu Âu sau khi ông được trao giải Prix International cùng Samuel Beckett năm 1961. Danh tiếng quốc tế của ông cũng được củng cố bởi các giải de Cervantes năm 1969 và giải Jerusalem năm 1971, bên cạnh sự bùng nổ của các nhà văn Mỹ Latin thuộc thế hệ sau trong những năm 1960 và 1970.

Everything and Nothing

Không có ai trong ông; đằng sau khuôn mặt (ngay cả trong những bức vẽ tồi tàn thời kỳ ấy cũng không giống bất cứ khuôn mặt nào khác) và những từ ngữ phong phú, giàu tưởng tượng và hào hứng của ông, chỉ có một chút lạnh lẽo, một giấc mơ không ai mơ. Thoạt đầu ông nghĩ mọi người ai cũng giống như mình, song vẻ ngạc nhiên của một người bạn mà ông mới bắt đầu tâm sự về sự trống rỗng ấy đã cho ông thấy sai lầm của mình và khiến ông cảm thấy, mãi mãi về sau, rằng một cá nhân thì không nên khác giống loài của anh ta. Có những lúc ông nghĩ trong sách vở ông sẽ tìm được phép chữa cho căn bệnh của mình và bằng cách đó ông đã học được chút Latin và ít Hy Lạp hơn thế mà một người cùng thời sẽ nói đến; sau đó ông nghĩ trong sự thực hiện một nghi thức cơ bản của loài người, điều ông tìm kiếm có thể ở đó, và ông cho phép mình được dẫn dắt bởi Anne Hathaway vào một buổi chiều dài tháng Sáu. Ở tuổi đôi mươi ông đến Luân Đôn. Bằng bản năng ông đã luyện cho mình thói quen giả vờ mình là một ai đó, để không ai phát hiện ra cái tình cảnh là không ai của ông; ở Luân Đôn ông tìm thấy món nghề ông đã được định sẵn, nghề diễn viên, người trên sân khấu giả vờ là một người khác trước một toán người giả vờ xem anh ta là cái người khác đó. Công việc diễn xuất đem đến cho ông một niềm hạnh phúc độc nhất, có lẽ niềm hạnh phúc đầu tiên ông biết; nhưng khi câu thoại cuối cùng đã nói và cái xác cuối cùng được đưa đi khỏi sân khấu, mùi vị đáng ghét của cái không thật lại ập xuống ông. Ông không còn là Terrex hay Tamburlaine nữa và trở lại làm không ai. Bị truy bức, ông bắt đầu tưởng tượng ra những anh hùng khác và những câu chuyện bi thảm khác. Như thế, trong khi thân xác hoàn thành cái sứ mệnh thân xác của nó trong các nhà thổ và quán rượu ở Luân Đôn, cái linh hồn cư ngụ trong đó là Caesar, kẻ xem nhẹ lời cảnh báo của nhà tiên tri, và Juliet, kẻ ghê tởm con sơn ca, và Macbeth, kẻ trò chuyện ngoài đồng hoang với các phù thủy cũng là các thần Số phận. Không ai là nhiều người như người đàn ông đó, người giống như Proteus của Ai Cập có thể làm cạn kiệt mọi hình hài của tồn tại. Đôi khi ông để lại lời thú nhận ở một góc tác phẩm, chắc rằng người ta sẽ không giải mã được nó; Richard khẳng định trong con người độc nhất của mình ông đóng vai nhiều người, và Iago nói những lời kỳ lạ “ta không phải cái ta là.” Sự tương đồng căn bản giữa tồn tại, mơ và diễn đã truyền cảm hứng cho những đoạn văn nổi tiếng của ông.

Suốt hai mươi năm ông kiên trì trong cơn mê sảng có định hướng ấy, nhưng một buổi sáng ập lấy ông nỗi buồn chán và hãi hùng của việc làm quá nhiều vị vua chết vì gươm đao và biết bao tình nhân khốn khổ gặp gỡ, chia ly và chết đi một cách du dương. Chính ngày hôm đó ông quyết định bán rạp. Chưa đầy một tuần ông đã trở lại quê nhà, nơi ông tìm lại những cái cây và những dòng sông thời thơ ấu và không gắn chúng với những cây cối dòng sông khác mà thần nàng thơ của ông đã ca ngợi, bóng bẩy với những ám chỉ thần thoại và từ ngữ Latin. Ông phải là một ai đó; ông trở thành một bầu gánh nghỉ hưu đã kiếm được của cải và quan tâm đến các khoản vay, kiện tụng và cho vay nặng lãi vặt vãnh. Trong nhân cách này ông đã viết bản di chúc khô khan mà chúng ta biết, trong đó ông đã cố tình loại bỏ mọi nét cảm xúc hay văn chương. Bạn bè ở Luân Đôn thường đến thăm nơi ẩn dật của ông, và ông lại tiếp tục vào vai nhà thơ cho họ.

Chuyện còn kể rằng trước hoặc sau khi chết, ông thấy mình đứng trước Chúa và nói: “Tôi, kẻ đã vô ích làm rất nhiều người, muốn làm một, chính tôi.” Giọng của Chúa đáp lại ông từ một cơn gió lốc: “Ta cũng là không ai; ta mơ ra thế giới như anh mơ ra tác phẩm của anh, Shakespeare của ta, và trong số những hình hài của giấc mơ của ta có anh, kẻ cũng như ta, là nhiều người và không ai.”

Jorge Luis Borges, “Everything and nothing,” El hacedor (Emecé Editores, 1960).

Copyright © 1960 by Jorge Luis Borges | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on April 14, 2023 by in Thơ and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: