Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Murakami & Ozawa: Quan hệ giữa viết và âm nhạc

Absolutely on Music.jpg

Photo by Libby McGuire

Nguồn: Haruki Murakami and Seiji Ozawa, “Interlude 2: The Relationship of Writing to Music,” in Absolutely on Music: Conversations, trans. Jay Rubin (Alfred A. Knopf, 2016).

Quan hệ giữa viết và âm nhạc

Murakami: Tôi nghe nhạc từ hồi thiếu niên, nhưng gần đây mới bắt đầu cảm thấy bây giờ mình hiểu âm nhạc tốt hơn đôi chút so với trước đây—rằng có lẽ tôi có thể nghe được những khác biệt tinh tế trong chi tiết âm nhạc—và việc viết văn chương hư cấu dần dần và tự nhiên cho tôi một cái tai tốt hơn. Ngược lại, anh không thể viết tốt nếu anh không có một cái tai cho âm nhạc. Hai bên bổ sung lẫn nhau: nghe nhạc cải thiện phong cách của anh; bằng cách cải thiện phong cách, anh cải thiện khả năng nghe nhạc.

Ozawa: Thú vị…

Murakami: Chưa ai dạy tôi viết bao giờ, và tôi cũng chưa bao giờ nghiên cứu về những kỹ thuật viết. Vậy tôi học viết thế nào? Từ nghe nhạc. Và điều quan trọng nhất trong việc viết là gì? Đó là nhịp điệu. Không ai đọc những gì anh viết trừ khi nó có nhịp điệu. Nó phải có một cảm giác nhịp điệu bên trong đẩy người đọc về phía trước. Anh biết đọc hướng dẫn sử dụng máy móc thì nhọc thế nào đấy. Những tài liệu như vậy là ví dụ kinh điển của việc viết mà không có nhịp điệu.

Thông thường anh có thể biết tác phẩm của một nhà văn mới có tồn tại được hay không bằng cách xem phong cách có cảm giác nhịp điệu hay không. Tuy nhiên, từ những gì tôi thấy, đa phần các nhà phê bình văn học đều bỏ qua yếu tố này. Họ chủ yếu nói về sự tinh tế của phong cách, sự mới mẻ trong ngữ vựng của người viết, đà tự sự, chất lượng của các chủ đề, việc sử dụng những kỹ thuật thú vị, vân vân. Nhưng tôi nghĩ người nào viết mà không có nhịp điệu thì thiếu tố chất trở thành nhà văn. Đấy chỉ là ý kiến của tôi, dĩ nhiên.

Ozawa: Anh có nghĩ chúng ta có thể cảm nhận được kiểu nhịp điệu ấy khi đọc hay không?

Murakami: Có, nhịp điệu đến từ sự kết hợp của từ ngữ, sự kết hợp của câu văn và đoạn văn, các cặp cứng và mềm, nhẹ và nặng, cân bằng và mất cân bằng, dấu câu, sự kết hợp của các tông khác nhau. “Đa điệu” có thể là từ chính xác để mô tả nó, như trong âm nhạc. Anh cần một cái tai tốt để tạo ra nó. Anh có thể tạo ra nó hoặc không. Anh có thể đạt được nó hoặc không. Dĩ nhiên, người ta có thể nâng cao năng lực về nhịp điệu nhờ làm việc và nỗ lực nghiên cứu.

Tôi là một người yêu jazz, nên đấy là lý do tôi đặt một nhịp điệu xuống trước tiên. Sau đó tôi thêm hợp âm và bắt đầu ứng tác, soạn tác một cách tự do trong khi viết. Tôi viết như thể mình đang soạn nhạc.

Ozawa: Tôi chưa bao giờ biết trong viết cũng có thể có nhịp điệu. Tôi vẫn chưa rõ anh nói như thế nghĩa là thế nào.

Murakami: Thế này, nhịp điệu là một yếu tố quan trọng đối với cả người đọc và người viết. Nếu anh viết một tác phẩm hư cấu và không tạo lập một nhịp điệu, câu tiếp theo sẽ không ra đời, tức là câu chuyện không thể tiến về phía trước. Nhịp điệu trong văn bản, nhịp điệu của câu chuyện: nếu anh có những thứ đó, câu tiếp theo sẽ đến một cách tự nhiên. Khi viết một câu văn, tôi tự động đọc nó thành tiếng trong đầu, và một nhịp điệu hình thành, gần giống như trong nhạc jazz: anh ad-lib một điệp khúc, rồi một cách hữu cơ nó dẫn đến điệp khúc tiếp theo.

Ozawa: Tôi sống ở khu Seijo ở Tokyo, và gần đây tôi được phát một tài liệu cho ứng cử viên đang tranh cử. Tôi mở ra và thấy một bài hứa hẹn hay tuyên ngôn gì đó, nên tôi bắt đầu đọc vì lúc đó không còn gì khá hơn để làm, và tôi nghĩ, “Cậu này sẽ không bao giờ trúng cử.” Tôi cảm thấy thế là vì tôi không tài nào đọc hơn ba dòng trong tài liệu đó, dù có cố gắng thế nào. Có vẻ cậu ta đang nói gì đó quan trọng, nhưng chỉ là tôi không đọc nổi.

Murakami: Có thể đấy là do cậu ta viết không có nhịp điệu.

Ozawa: Anh nghĩ thế? Có thật thế không? Còn những người như Natsume Sōseki thì sao?

Murakami: Tôi nghĩ phong cách của Sōseki rất đậm tính nhạc. Điều đó khiến văn của ông đọc rất trơn tru. Nó vẫn khá tuyệt đến tận bây giờ, một thế kỷ sau khi ông mất. Tôi khá chắc ông không chịu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây nhiều bằng những bài ca kể chuyện dài thời Edo [1603–1868], nhưng ông ấy có một cái tai rất tốt. Tôi không biết ông thông thạo thế nào về âm nhạc phương Tây, nhưng ông có học vài năm ở London, nên tôi ngờ rằng ông cũng làm quen với nó ở một mức độ nào đó. Tôi sẽ xem xét chuyện này.

Ozawa: Ông ấy cũng là giáo sư văn học Anh, đúng không?

Murakami: Có lẽ ông ấy cũng có một cái tai tốt theo nghĩa đó, với một sự kết hợp khéo léo giữa các yếu tố Nhật Bản và phương Tây. Hidekazu Yoshida là một nhà văn khác có phong cách âm nhạc. Tiếng Nhật của ông rất đẹp, rất dễ đọc, và khá cá nhân về tông giọng.

Ozawa: Có thể chuyện đó anh đúng.

Murakami: Nói về giáo sư văn học, tôi được biết giáo sư văn học Anh của anh ở Trường nhạc Toho Gakuen là tiểu thuyết gia Saiichi Maruya.

Ozawa: Đúng thế. Ông ấy cho chúng tôi đọc Dubliners của James Joyce. Không cách nào tôi hiểu được một cuốn sách như thế. [Cười.] Tôi ngồi cạnh một cô gái và cô ấy bảo tôi nó nói về gì. Tôi chẳng hề học. Nghĩa là tôi chẳng biết chút tiếng Anh nào khi đến Mỹ. [Cười.]

Murakami: Thế chỉ là anh không học, chứ không phải Maruya là giáo sư tồi.

Ozawa: Đúng, tôi thực sự chẳng học gì. ♦

Copyright © 2016 by Murakami and Ozawa | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.

Advertisement

2 comments on “Murakami & Ozawa: Quan hệ giữa viết và âm nhạc

  1. Prim
    January 5, 2017

    Reblogged this on May.

  2. Phan Duy Long
    April 27, 2022

    Mình muốn tìm mua cuốn sách này không biết có thể mua ở đâu được nhỉ. Sđt : 0978855623

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 18, 2016 by in Thơ and tagged , .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: