Illustration by Ed Nacional for The New Yorker
Nguồn: Haruki Murakami, “Boston, from One Citizen of the World Who Calls Himself a Runner,” The New Yorker (April 30, 2013 Issue).
Biên dịch: Tram Nguyen | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Trong ba mươi năm qua, tôi đã chạy ba mươi chặng full marathon. Tôi đã chạy marathon trên khắp thế giới, nhưng bất cứ khi nào có người hỏi tôi thích nhất giải nào tôi lại không ngần ngại trả lời: giải Boston, giải mà tôi đã chạy sáu lần. Giải Boston thì có gì tuyệt vời đến thế? Rất đơn giản: đó là giải đua lâu đời nhất trong thể loại này; quãng đường rất đẹp; và—đây là điểm quan trọng nhất—mọi thứ ở giải đua này đều tự nhiên, tự do. Giải Boston không phải là kiểu sự kiện từ trên xuống mà từ dưới lên; nó được chính các công dân Boston tổ chức đều đặn, kỹ càng, trong một thời gian dài đáng kể. Mỗi lần tôi chạy giải này, cảm xúc của những người tạo nên nó trong bao năm qua đều được thể hiện để tất cả cùng trân trọng, và tôi được phủ trong một quầng sáng ấm áp, cảm giác được trở lại một nơi tôi mong nhớ. Điều đó thật huyền diệu. Các giải marathon khác cũng rất tuyệt vời—giải New York City, giải Honolulu, giải Athens. Giải Boston, tuy nhiên (cho tôi xin lỗi các nhà tổ chức các giải kia), là độc nhất.
Điều tuyệt vời ở các giải marathon nói chung là nó không có sự cạnh tranh. Đối với vận động viên đẳng cấp thế giới, đó có thể là dịp để đối đầu khốc liệt, chắc chắn. Nhưng với một người chạy như tôi (và tôi hình dung điều này cũng đúng với hầu hết người chạy), một người chạy thông thường với thời gian chạy không có gì đặc biệt, marathon chưa bao giờ là một cuộc cạnh tranh. Bạn bước vào cuộc chạy để tận hưởng cảm giác chạy hai mươi sáu dặm, và bạn thực sự tận hưởng nó trong lúc bạn chạy. Rồi nó bắt đầu hơi đau, rồi trở nên rất đau, và cuối cùng là cơn đau mà bạn bắt đầu thích thú. Và một phần của niềm vui này nằm ở việc chia sẻ quá trình rối rắm này với những người chạy xung quanh bạn. Thử chạy hai mươi sáu dặm một mình rồi bạn sẽ có ba, bốn, hoặc năm giờ chỉ toàn tra tấn. Tôi từng chạy như thế, và hy vọng không bao giờ phải lặp lại trải nghiệm ấy. Nhưng chạy cùng quãng đường ấy với những người chạy khác thì lại khiến nó bớt mệt mỏi hơn. Về mặt thể chất thì rất khó—sao mà không khó cho được?—nhưng có một cảm giác đoàn kết và thống nhất đưa bạn đi cả chặng đường về đến đích. Nếu marathon là một trận chiến thì đó là trận chiến mà bạn chiến đấu với bản thân mình.
Chạy giải Boston, khi rẽ ở góc phố Hereford vào Boylston, và thấy, ở cuối con phố thẳng tắp và rộng rãi ấy, biểu ngữ trên quảng trường Copley, bạn trải qua một cảm giác phấn khích và nhẹ nhõm không sao tả nổi. Bạn đã tự mình hoàn thành nó, nhưng đồng thời những người xung quanh bạn cũng là những người đã giúp bạn tiếp tục đi tới. Những tình nguyện viên nghỉ cả ngày làm để giúp đỡ, những người đứng hai bên đường cổ vũ, những người chạy trước bạn, những người chạy đằng sau. Không có sự khích lệ và hỗ trợ của họ, có thể bạn đã không hoàn thành cuộc chạy. Khi bạn chạy chặng nước rút trên phố Boylston, đủ mọi loại cảm xúc trào dâng trong tim bạn. Bạn nhăn mặt vì đau đớn, nhưng bạn cũng mỉm cười.
***
Tôi đã sống ba năm ở ngoại ô Boston. Tôi là học giả khách mời ở Đại học Tufts trong hai năm, và sau đó, sau một kỳ nghỉ ngắn, tôi ở Harvard một năm. Trong thời gian ấy, tôi chạy bộ dọc hai bờ sông Charles mỗi sáng. Tôi hiểu giải Boston quan trọng thế nào với người dân Boston, một niềm tự hào đối với thành phố và các công dân nơi này. Nhiều bạn bè tôi thường xuyên tham gia chạy và làm tình nguyện viên. Vì vậy, ngay cả từ nơi xa xôi, tôi cũng có thể hình dung người dân Boston cảm thấy bị tàn phá và đau lòng thế nào trước thảm kịch của giải năm nay. Nhiều người bị thương về mặt thể chất ở nơi xảy ra các vụ nổ, nhưng nhiều người hơn thế chắc hẳn cũng đã bị thương theo một cách khác. Một điều đáng ra thuần khiết đã bị làm nhục, và tôi—như một công dân của thế giới, người tự gọi mình là người chạy—cũng đã bị tổn thương.
Nỗi buồn, nỗi thất vọng, cơn giận dữ, và nỗi tuyệt vọng này kết hợp lại không dễ tiêu tan. Tôi hiểu điều này khi làm nghiên cứu để viết cuốn Ngầm, về cuộc tấn công bằng khí độc trên tàu điện ngầm Tokyo năm 1995, và phỏng vấn những người sống sót sau cuộc tấn công và thành viên trong gia đình các nạn nhân thiệt mạng. Bạn có thể vượt qua nỗi đau đủ để sống một cuộc đời “bình thường.” Nhưng, ở bên trong, bạn vẫn đang chảy máu. Có nỗi đau nguôi ngoai theo thời gian, nhưng thời gian trôi qua cũng sinh ra những nỗi đau mới. Bạn phải bày tất cả ra, tổ chức nó, hiểu nó, và chấp nhận nó. Bạn phải xây dựng một cuộc sống mới bên trên nỗi đau.
***
Chắc chắn phần nổi tiếng nhất của giải Boston là Heartbreak Hill, một chuỗi dốc dài bốn dặm về cuối cuộc chạy. Heartbreak Hill là nơi người chạy dường như cảm thấy kiệt sức nhất. Trong lịch sử 117 năm giải chạy đã có đủ loại huyền thoại sinh ra về chặng dốc này. Nhưng, khi thực sự chạy, bạn nhận ra nó không khắc nghiệt và không phải không khoan dung như người ta vẫn nói. Hầu hết người chạy đều vượt qua Heartbreak Hill một cách dễ dàng hơn họ nghĩ. “Hey,” họ tự nhủ, “rốt cuộc thì nó cũng đâu có tệ lắm.” Chuẩn bị tinh thần cho chặng dốc dài đang chờ bạn gần cuối, tích trữ đủ năng lượng để đối đầu với nó, và bằng cách nào đó bạn có thể vượt qua.
Cơn đau thực sự chỉ bắt đầu sau khi bạn đã chinh phục Heartbreak Hill, xuống dốc, và đến phần bằng phẳng của hành trình, trên các con phố trong thành phố. Bạn đã trải qua đoạn tồi tệ nhất, và bạn có thể hướng thẳng về đích—rồi bỗng nhiên cơ thể bạn bắt đầu gào thét. Cơ bắp bạn co rút, chân bạn nặng như chì. Ít nhất đấy cũng là những gì tôi trải qua mỗi lần chạy giải Boston.
Những vết sẹo tinh thần có thể cũng như thế. Theo một nghĩa nào đó, nỗi đau thực sự chỉ bắt đầu sau khi một thời gian đã trôi qua, sau khi bạn đã vượt qua cú sốc ban đầu và mọi chuyện bắt đầu lắng xuống. Chỉ khi đã leo qua con dốc đứng và xuống đến mặt đất bằng thì bạn mới bắt đầu cảm thấy đến lúc này mình đã bị tổn thương nhiều đến nhường nào. Vụ đánh bom ở Boston có thể cũng sẽ để lại đằng sau kiểu đau đớn lâu dài về tinh thần này.
Vì sao? Tôi không thể không hỏi. Vì sao một dịp vui vẻ, hòa bình như giải marathon này lại có thể bị chà đạp một cách kinh khủng và đẫm máu như thế? Dù thủ phạm đã được xác định, câu trả lời cho câu hỏi đó vẫn còn chưa rõ. Nhưng lòng hận thù và suy đồi của chúng đã cứa lên trái tim và tâm trí chúng ta. Dù có câu trả lời đi chăng nữa thì rất có thể nó cũng không ích gì.
Cần có thời gian để vượt qua được kiểu chấn thương này, một khoảng thời gian mà trong đó chúng ta cần nhìn về phía trước một cách tích cực. Che giấu vết thương, hay tìm một phương pháp chữa bệnh nhanh chóng, sẽ không dẫn đến giải pháp thực sự nào. Tìm cách trả thù cũng sẽ không mang lại sự giải tỏa. Chúng ta cần nhớ những vết thương, đừng bao giờ rời mắt khỏi nỗi đau, và—một cách trung thực, tận tâm, lặng lẽ—tích lũy những câu chuyện của chúng ta. Điều đó có thể sẽ mất thời gian, nhưng thời gian là đồng minh của chúng ta.
Đối với tôi, bằng cách chạy, chạy hằng ngày, tôi tiếc thương cho những người đã thiệt mạng và những người bị thương trên con phố Boylston. Đây là thông điệp cá nhân duy nhất mà tôi có thể gửi đến cho họ. Tôi biết rằng nó không nhiều nhặn gì, nhưng tôi hy vọng rằng tiếng nói của mình sẽ đến được với họ. Tôi cũng hy vọng rằng giải marathon Boston sẽ phục hồi từ những vết thương, và hai mươi sáu dặm đường ấy sẽ có lại vẻ đẹp đẽ, tự nhiên, và tự do.
Pingback: #330 Like the light at the end of the tunnel. – Ngô Luộc Blog's