Robert Hass (1941–) là nhà thơ và nhà phê bình văn học người Mỹ. Ông được trao giải Yale Series of Younger Poets năm 1973, giải thơ của Hiệp hội Phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 1996, giải Sách Quốc gia Mỹ cho thơ năm 2007, giải Pulitzer cho thơ năm 2008, giải PEN/Diamonstein-Spielvogel cho nghệ thuật tiểu luận năm 2013, và giải Wallace Stevens năm 2014, và được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ từ năm 1995 đến năm 1997.
Có lẽ bạn cần viết một bài thơ về ân điển.
Khi mọi thứ vụn vỡ đã vỡ vụn,
và khi mọi thứ đã chết đều đã chết,
và nhân vật nam đã nhìn vào gương với sự khinh bỉ tuyệt đối,
và nhân vật nữ đã xem xét gương mặt mình và những khiếm khuyết của nó
một cách không ngừng nghỉ, và nỗi đau họ nghĩ sẽ có thể,
như một món quà cho sự nghiêm chỉnh của họ, giải phóng họ khỏi chính mình
đã mất đi sự mới lạ và không giải phóng họ,
và họ đã bắt đầu nghĩ, một cách độ lượng và xa cách,
nhìn những người khác bắt đầu ngày của họ—
những thích và không thích, những lý do, thói quen, nỗi sợ—
rằng tình yêu bản thân là cái cuống mỏng manh duy nhất
của mỗi sự trổ bông của con người, và hiểu,
do đó, vì sao họ, suốt cuộc đời mình,
lại giận dữ như vậy để bảo vệ nó, và rằng không ai—
chỉ trừ một vị thánh gần như không thể hình dung nổi trong cái hồ
của nghèo đói và im lặng của ông ta—có thể thoát được khỏi bạn đồng hành
bạo lực và tự động của cuộc sống này bao giờ, thì có lẽ, ánh sáng thường,
nhạc nhẹ dưới vạn vật, một thứ gì lơ lửng như ân điển xuất hiện.
Như là trong câu chuyện một người bạn có lần kể về lần
anh đã cố tự sát. Cô gái của anh đã bỏ anh đi.
Ong trong tim, rồi bọ cạp, giòi, và rồi tro bụi.
Anh trèo lên thanh dầm lắc lư của cây cầu,
mặt vịnh, một buổi chiều xanh, trong suốt.
Và trong bầu không khí mặn anh nghĩ về cái từ “hải sản,”
rằng có điều gì hơi ngớ ngẩn ở nó.
Không ai nói “thổ sản.” Anh nghĩ nó hạ thấp giá trị của con cá bảy sắc
mà anh kéo sáng lấp lánh lên từ những vách đá, con vược đá đen,
vảy như các-bon đánh bóng, trên những giường tảo bẹ
dọc bờ biển—và anh nhận ra lý do của từ này
là lũ cua, hoặc trai, hoặc nghêu. Nếu không
thì các nhà hàng chỉ cần trưng biển “cá,”
và khi anh tỉnh dậy—anh đã ngủ hàng giờ, cuộn mình
trên thanh dầm như một đứa trẻ—mặt trời đã bắt đầu lặn
và anh cảm thấy khá hơn một chút, và sợ. Anh mặc cái áo khoác
anh vừa dùng làm gối, trèo qua thanh lan can
cẩn thận, và lái về căn nhà trống.
Có một chiếc quần lót màu vàng chanh của cô
treo trên một tay nắm cửa. Anh xem xét nó. Đã giặt nhiều lần.
Một vệt màu nâu nhạt nơi đũng quần làm anh nôn
nao thịnh nộ đau buồn. Ít nhiều anh cũng biết
cô đang ở đâu. Một căn hộ ở đâu đó trên Russian Hill.
Họ vừa mới làm tình xong. Những giọt lệ
trong đôi mắt cô và cô chạm quai hàm hắn biết ơn. “Chúa ơi,”
cô nói, “anh thật tốt với em.” Những ngọn đèn nhấp nháy,
một quang cảnh mờ sương xuống cảng biển và vịnh.
“Em buồn à,” hắn ta nói. “Vâng.” Nghĩ về Nick?”
“Vâng,” cô nói và khóc.” “Em đã cố rất nhiều,” vẫn thổn thức,
“em thực sự đã cố gắng rất nhiều.” Và rồi hắn sẽ ôm cô trong một lúc—
những tấm vải Guatemala từ nơi công tác của hắn trên tường—
và rồi họ sẽ lại làm tình, cô sẽ lại khóc thêm,
rồi đi ngủ.
Còn anh, anh sẽ chiếu cảnh đó
chỉ một lần, một lần và một nửa, và tự nhủ
rằng anh rồi sẽ mang theo nó một thời gian rất dài
và rằng chẳng có gì anh có thể làm được
ngoài mang theo nó. Anh bước ra ngoài hiên, và nghe
tiếng khu rừng trong bóng tối hè, vỏ cây madrone
nứt và cong đi khi cái lạnh tiến đến.
Nhưng nó không phải là câu chuyện, không phải là người bạn
nghiêng mình về phía bạn, nói “Và rồi tôi nhận ra—,”
phần của những câu chuyện mà ta không bao giờ tin tưởng hoàn toàn.
Tôi có cảm tưởng rằng thế giới này chứa đầy rẫy nỗi đau
đến mức nó đôi khi phải cất lên một kiểu tiếng hát.
Và rằng thứ tự giúp, cũng như trật tự giúp—
Đầu tiên là một cái tôi, và rồi nỗi đau, và rồi tiếng hát.
Robert Hass, “Faint Music,” Sun Under Wood (Ecco, 1996).
Copyright © 1996 by Robert Hass | Nguyễn Huy Hoàng dịch.