Yehuda Amichai sinh năm 1924 ở Würzburg, Đức và cùng gia đình di cư về Palestine năm 1936. Là tác giả của nhiều tập thơ tiếng Hebrew, hai tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, ông được trao giải nhà nước Israel cho thơ năm 1982 và trở thành viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa Kỳ năm 1986. Ông sống Jerusalem cho đến khi qua đời năm 2000.
1.
Tôi ngồi trong vườn của bạn bè tôi trên một cái ghế làm bằng những cây
sậy tre rỗng. Những cây sậy khác đã được làm thành sáo để được chơi
ở những nơi khác. Tôi ngồi thoải mái, tôi ngồi shiva cho thời gian mất
và thời gian sẽ mất, trái tim tôi bình yên và lặng lẽ.
Những linh hồn của người chết đến thăm tôi trong ánh sáng ngày
và những linh hồn của người sống ám ảnh đêm của tôi.
Tôi ngồi trên một cái ghế làm bằng những cây sậy tre
muốn được làm những cây sáo, như những cây sáo muốn được
bình yên và lặng lẽ trên một cái ghế. Tôi nghĩ về những cây sậy tre
mọc gần nước. Khao khát có ở mọi nơi.
Sự chính xác của nỗi đau và sự nhạt nhòa của niềm vui.
2.
Trên bàn của tôi có một hòn đá khắc chữ “Amen” trên đó,
một mảnh đá hình tam giác từ một nghĩa địa Do Thái đã bị phá hủy
nhiều thế hệ trước. Những mảnh khác, trăm mảnh trên hàng trăm mảnh,
rải rác ở mọi nơi, và một khát khao lớn,
một khao khát không hồi kết, lấp đầy tất cả:
tên tìm kiếm họ, ngày chết tìm
nơi chết, tên của người con trai muốn tìm
tên của người cha, ngày sinh tìm sự đoàn tụ với tâm hồn
muốn nghỉ trong yên bình. Và chừng nào chúng chưa tìm thấy
nhau, chúng còn chưa hoàn toàn yên nghỉ.
Chỉ có viên đá này nằm yên trên bàn tôi và nói “Amen.”
Nhưng bây giờ những mảnh vỡ đã được gom lại trong lòng nhân từ
của một người đàn ông tốt bụng và buồn. Ông tẩy sạch mọi vết lem,
chụp ảnh từng mảnh một, sắp xếp chúng trên sàn
trong một đại sảnh, ráp lại từng bia mộ nguyên vẹn một lần nữa,
đúng là một bia mộ một lần nữa: từng mảnh một,
như sự hồi sinh của người chết, một bức tranh khảm,
một bộ xếp hình. Trò chơi của trẻ con.
3.
Trong vườn tôi tôi thấy những bông hoa nhài mang trong gió mùa thu,
bám vào bụi hoa giấy. Ôi, thật là một sai lầm, thật là một lãng phí,
thật là một mất mát tận cùng. Tôi thấy mặt trời lặn trên biển,
tôi thấy Chúa, thật là một sai lầm, thật là một hy vọng!
Tôi thấy hai con chim mắc trong sảnh cao vót
của một sân bay. Trong tuyệt vọng chúng bay trên hỗn loạn bên dưới.
Ôi, thật là một sai lầm, một chuyến bay, một tình yêu tuyệt vọng,
một lối ra không lối thoát, một tầm nhìn về đôi cánh của Shekhinah!
Và trên cao, trên tất cả, có một chiếc máy bay lượn vòng. Tôi đang
thử, nó nói, tôi đang thử lần nữa. Hãy thử lại, người ta nói
từ đài điều khiển. Hãy thử lại, hãy thử lại lần nữa.
4.
Mỗi năm dưa đều ngọt hơn năm trước.
Tôi nói thế là vì đã quên đi mùa hè trước hay là vì
một nỗi mệt khôn tả? Khi một giọng nói mòn
nó trở nên ngọt hơn. Ngay cả khàn cũng giống như đường trắng,
và dưa không hạt là ngọt nhất trong tất cả.
“Kẻ hoạn cũng chớ nên nói, Nầy, ta là cây khô”—nhà tiên tri,
từ lâu, đã an ủi những kẻ không có con và sẽ không
bao giờ như thế. Ngay cả hạt giống tràn trên đất
một ngày nào đó cũng có thể gieo nên một con người.
Hãy yên ủi, hãy yên ủi, Er và Onan, người sẽ được hồi sinh.
5.
Tôi đã thấy một bức ảnh ố vàng của Jaffa, từ thời
tôi còn chưa ra đời, và trong ảnh là một tòa tháp và trên tháp
là một chiếc đồng hồ, trên đồng hồ: sáu giờ kém mười lăm.
Tòa tháp chính xác và thời gian chính xác.
Ôi, lời than của những giờ, khóc cho những bảy giờ sẽ không trở lại nữa,
thương cho những hai rưỡi đã mất, khổ cho những sáu giờ
đã về với những giờ trong cái thời của chúng,
trong cái thời của tôi, một tiếng khóc cay đắng cho mọi giờ đã qua,
một bi ca cho thời đẹp, một lời hallelujah cho thời buồn,
Thương cho sáu giờ kém mười lăm. Thương sáu giờ mười lăm. Ngay cả
những nửa giờ và một khắc cũng sẽ tìm được sự yên nghỉ hoàn toàn
trong sự thăng thiên của những thời đã định và sự tưởng niệm
dưới đôi cánh của lãng quên.
6.
Dựng một tượng đài sai chỗ, như Mộ Rachel,
gọi ai đó nhầm tên, nói những lời mà không định
bâng quơ hay trúng đích, chuyển các thứ từ chỗ này sang chỗ khác,
những tảng đá từ mỏ đá đến công trường,
bơm nước vào đường ống, gây bất ngờ, làm thay đổi—
đó là những mong mỏi thực sự.
Khi tấm rèm muốn làm một lá cờ ở bên ngoài,
khi quá khứ muốn làm tương lai,
khi nước mắt khao khát không phải tiếng cười, không phải đôi mắt
đã khóc ra nó, không phải đôi má mà nó đã làm ướt,
mà khao khát biển, muối biển—đó là những mong mỏi thực sự.
7.
Ở một bốt điện thoại, tôi nhìn thấy một người phụ nữ gọi điện,
và nép dưới chân cô, một nhạc cụ lớn trong một cái hộp đen, như một con chó.
8.
Tôi nghĩ về niềm vui của quần áo trong cửa sổ trưng bày
mà chưa ai mua, và niềm vui
của đồ nội thất vẫn chưa được bán,
nhưng tôi cũng nghĩ về nỗi buồn của quần áo và đồ nội thất
và về khao khát được ở trong phòng với con người
và cảm nhận sự ấm áp của cơ thể họ.
9.
Chúng ta nhớ quá khứ
và Chúa nhớ tương lai.
Rồi ta quên quá khứ,
Chúa quên mất tương lai,
và thế giới trở lại hỗn loạn.
10.
Đôi khi tâm hồn muốn thoát ra khỏi cơ thể để chạy một lúc,
như một con chó, và về cơ thể khi đã bình tĩnh hơn. Nhưng nó lo
nó sẽ không tìm được đường về.
12.
Những người bị từ bỏ gặp những người từ bỏ;
những người từ bỏ tuổi thơ họ yêu những người nhớ.
Cả hai đều có đủ loại dây đai trên quần áo, dây đai thắt chặt
để hỗ trợ họ và tâm hồn của họ trên hành trình của họ.
13.
Tôi nhìn thấy một người đọc về một nơi trong một cuốn sách du lịch,
trong khi đang ngồi ở chính nơi đó. Rồi anh gấp sách lại
và đi đến một nơi khác.
14.
Vua Saul ngã vào kiếm của chính mình trong trận chiến cuối trên Núi Gilboa
và chết ngay tức khắc. Chúng ta cũng ngã
vào những tâm hồn bén cạnh của chính mình khi chúng ta ra đời,
nhưng bảy mươi hay tám mươi năm sau mới chết.
Trong suốt những năm ấy, đời quằn quại trong ta, mỗi chuyển động
và cảm xúc đâm sâu, nhưng chúng ta đã quen với nỗi đau.
Đôi khi chúng ta gọi đó là cảm giác sống, thậm chí là niềm vui.
Cái tâm hồn làm chúng ta sống động sau cùng giết chúng ta
và mắc chặt ở đó, như một thanh kiếm.
15.
Khi mặt trời lặn đằng Tây, niềm hy vọng của đêm trỗi dậy đỏ trong tôi.
Và với sự an toàn của một cái bập bênh, chúng ta nói về những thứ mình làm,
những nơi mình thấy. Ngay cả những cuộc chiến và tình yêu
cũng ổn định chúng ta và cho ta cái an toàn bập bênh ấy, sự lên xuống
của mọi chuyện đã từng.
16.
Trong một khoảnh sân ở Jerusalem tôi thấy những hạt giống
trải trên một miếng vải để phơi dưới nắng, và tôi nói:
Hãy để tôi là sử gia của chúng và kể chúng nghe về những quả dưa hấu
và bí ngô đã sinh ra chúng. Tôi muốn cát
nhớ lại hòn đá, hòn đá nhớ lại tảng đá lớn
và tảng đá lớn nhớ dung nham và lửa.
Và chính tôi đã quên những gì đã diễn ra vào mùa hè năm ngoái,
thậm chí cả những gì đã diễn ra hôm qua, vào một ngày
thứ Tư. Nhưng tôi nhớ
bài thánh vịnh mà những người Levi vẫn hát mỗi tuần
trong Đền thờ vào ngày thứ Tư.
17.
Ga’agu’im, khao khát, là số nhiều giống đực trong tiếng Do Thái, giống như Elohim, Chúa.
Erga và kmiha, mong mỏi, là giống cái, một người đàn bà không có ký ức về giống đực.
Tôi thấy một người đàn ông luồn lá thư dưới cánh cửa khóa,
thấy hôm sau anh ta đi qua và lá thứ vẫn cứ
là một dải giấy trắng sáng dưới cánh cửa. Và tôi thấy anh ta trở lại
một lần nữa, hai lần nữa, và cái dải màu trắng vẫn cứ
ló ra ngoài như một dải đồ lót của người đàn bà mà anh ta yêu.
Cái chạm của khao khát ở mọi nơi. Cỏ mọc lên bên cửa
có lẽ là một nhà tiên tri của sự hủy diệt, có lẽ là một nhà tiên tri của sự an ủi.
Và cái từ “khao khát” đến từ sự hạ lưỡi của con bò cái tơ
đã đem cái giọng trầm thấp của nó cho con người.
18.
Những khao khát là quả.
Những lời nói và việc làm diễn ra
là những bông hoa của cánh đồng khô héo.
Quả ở lại lâu hơn, mang theo hạt của những mong mỏi sắp tới.
Rễ còn mãi, sâu trong lòng đất.
19.
Và trong suốt thời gian những sứ giả cứ chạy đi chạy lại
về tuổi thơ của tôi để lấy lại những gì tôi đã quên hoặc bỏ lại
như thể từ một ngôi nhà sắp bị dỡ dỏ,
hoặc như Robinson Crusoe, từ con tàu chìm dần
đến đảo—tôi cũng cứu lấy từ thời thơ ấu những sự tiếp tế và ký ức
cho phần tiếp theo của cuộc đời tôi.
20.
Sự chính xác của nỗi đau và sự nhạt nhòa của niềm vui. Tôi đang nghĩ
rằng người ta chính xác làm sao khi mô tả cơn đau ở trong một phòng khám.
Ngay cả những người không được học cách đọc và viết cũng chính xác:
“Cái này là một cơn đau nhói, cái kia là một cơn đau quặn,
cái này rức, cái kia rát, cái này là một cơn đau buốt
và cái kia—một cơn đau âm ỉ. Ở chỗ này. Đúng chỗ này,
phải, phải.” Niềm vui làm nhòe đi mọi thứ. Tôi đã nghe thấy người ta nói
sau những đêm yêu thương và tiệc tùng, “Thật tuyệt vời,
tôi đã ở trên thiên đường thứ bảy.” Ngay cả phi hành gia trôi nổi
ngoài không gian, buộc vào một con tàu vũ trụ, cũng chỉ có thể nói, “Vĩ đại quá,
tuyệt vời quá, tôi chẳng có lời nào mà nói.”
Sự chính xác của nỗi đau và sự nhạt nhòa của niềm vui—
tôi muốn miêu tả, bằng sự chính xác sắc bén của nỗi đau, niềm hạnh phúc
và niềm vui nhạt nhòa. Tôi đã học cách nói giữa những nỗi đau.
Yehuda Amichai, “The Precision of Pain and the Blurriness of Joy: The Touch of Longing Is Everywhere,” trans. Chana Bloch and Chana Kronfeld in The Poetry of Yehuda Amichai, ed. Robert Alter (Farrar, Straus and Giroux, 2015).
Copyright © 2015 by Hana Amichai | Nguyễn Huy Hoàng dịch.