Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

“Đừng để tôi cô đơn [Có một thời]” – Claudia Rankine

Claudia Rankine

Photo by Ike Edeani

Claudia Rankine sinh năm 1963 ở Jamaica. Bà là tác giả của năm tập thơ, gần đây nhất là Citizen: An American Lyric (2014), tác phẩm đoạt giải thơ của Hiệp hội Nhà phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 2014, giải Forward cho tập thơ xuất sắc nhất 2015, và giải Rebekah Johnson Bobbitt của Thư viện Quốc hội Mỹ năm 2016. Bà hiện là giáo sư hàm Frederick Iseman về thơ tại Đại học Yale.

Đừng để tôi cô đơn

Có một thời tôi có thể nói không ai mà tôi biết rõ chết cả. Nói như thế không phải là không có ai chết. Năm tôi lên tám mẹ tôi có thai. Bà đến bệnh viện sinh em và trở về mà không có đứa bé. Đứa bé đâu? chúng tôi hỏi. Bà có nhún vai không? Bà là kiểu phụ nữ ưa nhún vai; sâu trong bà là một cái nhún vai bất diệt. Chuyện đó trông không giống như một cái chết. Năm tháng trôi qua và người ta chỉ chết trên TV—nếu da họ không đen thì họ cũng mặc đồ đen hoặc mắc bệnh nan y. Rồi một hôm tôi đi học về thì thấy cha tôi đang ngồi trên bậc thềm nhà. Ông có một vẻ mặt xa lạ; nó bị đánh ngập đến muốn tràn ra ngoài. Tôi leo lên những bậc thềm nhà cách xa ông nhất có thể. Ông đang vỡ hay đã vỡ. Hay, chính xác hơn, với tôi trông ông như một người hiểu được sự đơn độc của mình. Nỗi cô đơn. Bà nội đã chết. Tôi chưa bao giờ gặp bà. Nó có nghĩa là một chuyến về nhà với ông. Khi quay lại ông không nói gì về chuyến bay cũng như tang lễ.

Mỗi bộ phim tôi xem hồi lớp ba đều buộc tôi phải hỏi, Ông ấy đã chết chưa? Bà ấy đã chết chưa? Bởi vì các nhân vật thường kiểu gì cũng sống nên sự sống chết của các diễn viên mới làm tôi quan tâm. Nếu đó là một bộ phim cũ, đen trắng, bất cứ ai ở xung quanh cũng sẽ trả lời là họ đã chết rồi. Vài tháng sau người diễn viên nọ sẽ xuất hiện trên một chương trình đêm khuya nào đó để quảng bá cho những dự án mới nhất của họ. Tôi sẽ quay sang và nói—người ta luôn luôn quay sang để nói—Thế mà anh bảo họ chết rồi. Và người có thông tin sai kia sẽ nói, Anh có bao giờ bảo họ chết rồi đâu. Có, anh bảo thế. Không, anh không bảo thế. Rồi một cách tất yếu chúng tôi già đi; bất cứ ai còn ở lại với chúng tôi đều nói, Đừng có hỏi như thế nữa.

Hoặc người ta bắt đầu tự hỏi mình câu ấy theo một cách khác. Tôi đã chết chưa? Mặc dù câu hỏi này không lúc nào được dịch một cách hiển ngôn thành Tôi có nên chết đi hay không, rốt cuộc thì đường dây nóng tự tử vẫn được gọi đến. Như thường lệ, bạn đang xem TV, bộ phim lúc tám giờ tối, thì một số máy nhấp nháy trên màn hình: I-800-SUICIDE. Bạn quay số. Bạn có thấy muốn tự sát không? người đàn ông ở đầu dây bên kia hỏi. Bạn bảo anh ta, Tôi thấy như mình đã chết. Khi anh ta không phản ứng gì bạn nói thêm, Tôi đang ở tư thế chết. Cuối cùng anh ta nói, Đừng tin vào những gì bạn đang nghĩ và cảm thấy. Rồi anh ta hỏi, Bạn sống ở đâu?

Mười lăm phút sau chuông cửa reo. Bạn giải thích với nhân viên cứu thương là bạn đã có một khoảng đứt đoạn nhất thời của một-cách-hạnh-phúc. Danh từ, sự hạnh-phúc, là một trạng thái tĩnh của một lý tưởng kiểu Plato nào đó mà bạn biết tốt hơn là không nên theo đuổi. Quá trình sửa đổi của bạn đã một-cách-hạnh-phúc hay một-cách-không-hạnh-phúc trải qua một khoảng dừng tạm thời. Chuyện thế này vẫn xảy ra, có lẽ vẫn đang xảy ra. Anh ta nhún vai và đến lượt anh ta giải thích rằng bạn cần đi một cách yên lặng nếu không thì anh ta sẽ phải khống chế bạn. Nếu anh ta buộc phải khống chế bạn thì anh ta sẽ phải báo cáo rằng anh ta đã buộc phải khống chế bạn. Chỉ đơn giản như thế: Chống cự sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Bất cứ chống cự nào cũng chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Theo luật, tôi sẽ phải khống chế bạn. Giọng anh ta gợi ý rằng bạn nên cố gắng hiểu cho những khó khăn mà anh ta gặp phải. Thế lại càng bối rối hơn nữa. Tôi ổn! Anh không thấy à! Bạn leo lên xe cứu thương mà không cần ai giúp.

Claudia Rankine, “Don’t Let Me Be Lonely [There was a time],” Don’t Let Me Be Lonely: An American Lyric (Graywolf Press, 2004).

Copyright © 2004 by Claudia Rankine | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on June 15, 2020 by in Thơ and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: