Nighthawks, 1942 by Edward Hopper
Joyce Carol Oates (1938–) là nhà văn và nhà thơ người Mỹ. Bà được trao giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 1970, giải Rea cho truyện ngắn năm 1990, giải PEN/Malamud năm 1996, và được trao Huân chương Nhân văn Quốc gia năm 2010. Bà dạy tại Đại học Princeton từ năm 1978 đến năm 2013, nơi bà là giảng viên với hàm giáo sư; giáo sư hưu trí hàm Roger S. Berlind ’52 về các ngành nhân văn; và giáo sư hưu trí về sáng tác văn chương.
Ba người đàn ông ăn vận đầy đủ, tay áo dài,
đội cả mũ, dù đó là ở trong nhà, và đèn rất rạng,
và có một người đàn bà. Người đàn bà mặc
váy ngắn tay màu đỏ cắt lộ cánh tay,
một đường cong của bộ ngực màu kem; cô đang ngẫm
một điếu thuốc trên bàn tay phải, nghĩ rằng
bạn đồng hành của cô cuối cùng đã bỏ vợ nhưng
cô có thể tin anh ta không? Đôi mắt nặng trĩu,
môi mọng đánh son, cô có nước da đích thị của cô nàng
tóc đỏ như sữa tách kem, hết sức ngon nghẻ
và cô đoán mình biết thế nhưng chính xác thì điều đó
đã đưa cô đến những gì, và đến đâu?—anh ta sẽ bắt đầu
cảm thấy tội lỗi trong một vài ngày, cô biết
các dấu hiệu, và cái mùi thực tế, mùi mồ hôi, ôi, như
tất bẩn; anh ta sẽ lẩn đi để gọi điện thoại
và cô thề cô sẽ không trải qua cái chuyện đó
một lần nào nữa, không quỵ lụy khóc lóc cầu xin
và không hét vào mặt anh ta nữa, cô đã xong
với những chuyện đó. Và anh ta im lặng bên cô,
không phải kiểu nói nhiều nhưng anh ta đang nghĩ
tạ ơn Chúa rốt cuộc mình cũng có một nước đi đúng đắn,
hơi choáng váng như một người đàn ông trong mơ—
đây có phải là mơ?—rất nhiều khoảng rộng, bất động,
câm lặng, nằm ngang, và gã phục vụ quầy đồ trắng,
cúi người và không cử động, và người đàn ông
trên băng ghế còn lại cũng bất động trừ lúc nhấm
cà phê; nhưng anh ta đang cảm thấy khá tốt,
chủ yếu là nhẹ nhõm, lần này anh ta chắc
như đinh là sẽ làm được, anh ta nợ cô chuyện đó
và nợ chính mình, lạy Chúa. Và cô đang nghĩ
ánh sáng ở nơi này quá sáng, có lẽ
không quá nịnh, cô ghét son
bị trôi và trang điểm bị mốc, cô muốn
vào phòng vệ sinh nữ nhưng ở đây không có
và Chúa ơi bao lâu nữa trạm xăng mới mở cửa?—
đó là nửa đêm và cô có cảm giác
thời gian sẽ không bao giờ nhúc nhích. Song lần này
cô sẽ không tự hạ thấp mình nữa—
anh ta mà kể về vợ, những đứa con, anh ta đã phụ
họ như thế nào, họ đã tin anh ta và anh ta
phụ họ, cô sẽ lao ra khỏi căn phòng chết tiệt đó
và nếu anh ta gọi cô là Sugar hay Baby bằng cái giọng đó,
lướt bàn tay qua cô như có quyền làm thế,
cô sẽ tát lật mặt anh ta, Anh biết là tôi ghét thế: Thôi đi!
Và anh ta sẽ thôi. Anh ta nên thế. Càng giận dữ
cô càng yên lặng, không nói một lời nào
suốt mười phút qua, không một lọn
tóc nào lay động, và nó có mùi hơi giống như tro
hay như henna mà cô dùng để đánh bóng nó, nhưng
chỉ thoang thoảng hoặc dẫu sao, phát điên
vì cô, anh ta không hề để ý, hay là bận tâm—
vùi tấm mặt nóng vào cần cổ cô, giữa bầu ngực
mát, hay giữa đôi chân—nơi nào cô cũng sẽ có anh ta,
và bất cứ khi nào. Cô vẫn đang ngẫm
điếu thuốc cháy trên tay,
gã phục vụ quầy vẫn đang cúi người há mồm
nhìn cô, và gã không quan tâm, sao không,
miễn cô không nhìn lại, trên thực tế
gã đang nghĩ mình là kẻ may mắn nhất thế giới
vậy thì sao gã không hạnh phúc hơn?
Joyce Carol Oates, “Edward Hopper’s Nighthawks, 1942,” Where I’ve Been, and Where I’m Going: Essays, Reviews, and Prose (Plume, 1999). This poem was first published in The Yale Review and was included in The Best American Poetry 1991.
Copyright © 1999 by Joyce Carol Oates | Nguyễn Huy Hoàng dịch.