Isaac Bashevis Singer sinh năm 1904 ở một ngôi làng gần Warsaw, Ba Lan, và lớn lên trong khu Do Thái nói tiếng Yiddish của thành phố. Dù ban đầu cân nhắc trở thành thầy đạo như cha mình, Singer đã từ bỏ nghiên cứu tôn giáo trong những năm tuổi hai mươi để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Năm 1935, khi mối đe dọa của Đức Quốc xã ngày càng đáng ngại, Singer chuyển đến Mỹ. Tuy xuất bản nhiều tiểu thuyết, sách thiếu nhi, hồi ký, và tiểu luận, ông nổi tiếng nhất với tư cách nhà văn viết truyện ngắn. Ông được trao giải Sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 1974 và giải Nobel văn chương năm 1978, và qua đời ở Florida năm 1991.
Hôm nay tôi biết chính xác mùa hè ấy tôi đã nên làm gì—viết tác phẩm của tôi. Thế rồi hầu như tôi chẳng viết gì cả. “Ai cần tiếng Yiddish ở Mỹ cơ chứ?” tôi tự hỏi. Dẫu chủ biên một tờ báo tiếng Yiddish thi thoảng có đăng một bản thảo của tôi trong ấn bản Chủ nhật, ông cũng bảo thẳng tôi là chẳng ai buồn quan tâm đến nhưng con quỷ, dybbuk, rồi tiểu yêu của hai trăm năm trước. Ở tuổi ba mươi, một người tị nạn từ Ba Lan, tôi đã trở thành một kẻ lạc thời. Thế chưa đủ hay sao mà Washington còn từ chối gia hạn thị thực du lịch cho tôi. Lieberman, luật sư của tôi, đã cố gắng xin cho tôi một thị thực thường trú, nhưng để có nó tôi cần có giấy khai sinh, giấy chứng nhận đạo đức, một lá thư nói rằng tôi đã được tuyển dụng và sẽ không trở thành một kẻ ăn bám chính phủ, rồi những giấy tờ khác mà tôi không thể lấy được. Tôi gửi những lá thư đầy lo lắng đến những người bạn ở Ba Lan. Họ không bao giờ trả lời. Báo chí dự đoán Hitler có thể xâm lược Ba Lan bất cứ lúc nào.
Tôi mở mắt sau một giấc chập chờn, đầy ác mộng. Chiếc đồng hồ đeo tay Warsaw chỉ mười một giờ kém mười lăm. Qua những khe nứt trong bóng râm một tia nắng vàng tràn vào. Tôi có thể nghe thấy tiếng đại dương. Một năm rưỡi qua tôi đã thuê một căn phòng đầy đủ tiện nghi trong một ngôi nhà cũ ở Sea Gate, không xa Esther (tôi sẽ gọi cô ấy như thế ở đây) với giá mười sáu đô la một tháng. Bà Berger, bà chủ nhà, cho tôi bữa sáng với giá gốc.
Họ còn chưa trục xuất tôi về Ba Lan tôi còn tận hưởng sự thoải mái của nước Mỹ. Tôi tắm trong phòng tắm cuối hành lang (vào giờ đó nó không có người), và có thể thấy một con tàu khổng lồ từ châu Âu—Queen Mary hay Normandie. Nhìn ra cửa sổ phòng tắm và ngắm Đại Tây Dương với một trong những con tàu mới nhất và nhanh nhất thế giới mới xa xỉ làm sao! Trong khi cạo râu, tôi quyết định: Tôi sẽ không để họ trục xuất tôi về Ba Lan. Tôi sẽ không rơi vào bàn tay của Hitler. Tôi sẽ ở lại bất hợp pháp. Tôi được bảo là nếu chiến tranh nổ ra, tôi có cơ hội tốt để tự động trở thành công dân. Tôi nhăn mặt trước bóng mình trong gương. Mái tóc đỏ của tôi đã biến mất. Tôi có đôi mắt xanh ngấn nước, mí mắt viêm, má hóp, yết hầu lồi ra ngoài. Tuy người ta từ Manhattan đến Sea Gate để có làn da rám nắng, tôi vẫn trắng một cách ốm yếu. Mũi tôi tóp và nhợt nhạt, cằm nhọn, ngực lép. Tôi thường nghĩ mình trông không khác các con tiểu yêu mà tôi mô tả trong các câu chuyện của mình. Tôi lè lưỡi và tự gọi mình là một batlan điên, có nghĩa là một kẻ xấu xa của cõi khác.
Tôi đoán sáng muộn rồi bếp của bà Berger sẽ vắng, nhưng mọi người đều có mặt: Ông Chaikowitz; bà vợ ba của ông; nhà văn già Lemkin, người từng theo chủ nghĩa vô chính phủ; và Sylvia, người đưa tôi đi xem phim ở Đại lộ Mermaid mấy hôm trước (đến năm giờ chiều giá vé chỉ có mười xu) và dịch cho tôi bằng tiếng Yiddish bồi những gì lũ găng-xtơ nói trong phim. Trong bóng tối, cô nắm lấy tay tôi, làm tôi cảm thấy có lỗi. Thứ nhất, tôi đã tự hứa sẽ làm theo Mười Điều Răn. Thứ hai, tôi đã phản bội Esther. Thứ ba, tôi cảm thấy áy náy với Anna, người vẫn viết thư cho tôi từ Warsaw. Nhưng tôi không muốn xúc phạm Sylvia.
Khi tôi bước vào bếp, bà Berger kêu lên, “Nhà văn của chúng ta đây rồi! Làm sao mà ngủ kỹ được thế hở? Ta đã đứng trên đôi chân này từ sáu giờ sáng.” Tôi nhìn đôi chân thộn của bà, các ngón cong queo và hai khớp cái lồi ra. Mọi người trêu chọc tôi. Chaikowitz già nói, “Cậu có biết cậu đã bỏ lỡ giờ cầu nguyện buổi sáng không? Cậu hẳn là một trong đám Hasid Kotzker chuyên cầu nguyện muộn.” Mặt ông trắng bóc và chòm râu dê của ông cũng thế. Bà vợ ba của ông, một phụ nữ béo, mũi dày, môi mọng, cũng vào hùa. “Em cá cậu chàng còn chưa có hộp đựng kinh đâu.” Còn Lemkin thì nói, “Nếu các vị hỏi, cậu ta đã thức cả đêm viết sách bán chạy.”
“Cháu đã lại đói rồi,” Sylvia thông báo.
“Hôm nay cậu định ăn gì?” bà Berger hỏi tôi. “Hai ổ một trứng hay hai trứng một ổ.”
“Gì cũng được, thưa bà.”
“Ta đã sẵn sàng cho cậu ăn trăng trên đĩa rồi đấy. Ta chỉ sợ cậu viết gì trên báo Yiddish của cậu thôi.”
Bà mang cho tôi một ổ bánh lớn với hai quả trứng bác và một cốc cà phê bự. Giá bữa sáng là hai lăm xen, nhưng tôi đã nợ bà Berger sáu tuần thuê nhà và sáu tuần ăn sáng.
Trong lúc tôi ăn, bà Chaikowitz kể về đứa con gái lớn của bà, góa chồng một năm trước và vừa tái giá. “Mọi người đã nghe nói chuyện gì như thế này chưa?” bà nói. “Nó nấc một phát rồi lăn ra chết. Trong não có gì bị vỡ ra hay sao ấy. Xin Chúa ngăn những điều bất hạnh có thể xảy ra. Nó để lại cho con bé hơn 50.000 đô bảo hiểm. Một phụ nữ trẻ có thể đợi bao lâu? Người kia là bác sĩ, người này là luật sư—luật sư lớn nhất ở Mỹ. Nó nhìn con bé một cái rồi bảo, ‘Đây là người phụ nữ mà tôi hằng mong đợi.’ Sáu tuần sau, chúng nó kết hôn rồi đến Bermuda trăng mật. Nó mua cho con bé một cái nhẫn 10.000 đô.”
“Trước đấy anh ấy còn độc thân hay sao?” Sylvia hỏi.
“Nó từng có vợ rồi, nhưng không phải mẫu người của nó nên nó đã ly dị với con bé kia. Con bé kia nhận được nhiều tiền cấp dưỡng lắm—200 đô một tuần. Cầu cho nó tiêu hết vào thuốc men đi.”
Tôi vội ăn sáng rồi rời đi. Bên ngoài, tôi dòm vào hộp thư, nhưng chẳng có gì cho tôi. Chỉ cách đó hai dãy nhà, tôi có thể nhìn thấy ngôi nhà Esther đã thuê mùa đông năm ngoái. Cô để phòng cho những người muốn dành kỳ nghỉ của họ gần New York. Tôi không thể đến thăm cô ấy vào ban ngày; tôi thường len lén đến lúc khuya. Rất nhiều nhà văn và nhà báo Yiddish sống ở đó vào mùa hè ấy, họ không thể biết mối tình của tôi với Esther. Tôi không định lấy cô ấy, sao phải gây hại cho danh tiếng của cô? Esther hơn tôi gần mười tuổi. Cô đã ly dị chồng – một nhà thơ Yiddish, một nhà hiện đại chủ nghĩa, một người Cộng sản, một tên lang băm. Hắn biến đến California và chẳng bao giờ gửi một xu nào cho hai cô con gái nhỏ của họ. Hắn giờ đang sống với một nghệ sĩ vẽ tranh trừu tượng. Esther cần một người chồng đỡ đần cô và hai con bé, chứ không phải một nhà văn Yiddish chuyên viết về người sói và ma cà rồng.
Tôi đã ở Mỹ mười tám tháng, nhưng Coney Island vẫn làm tôi ngạc nhiên. Nắng đổ xuống như đổ lửa. Từ bãi biển dội đến một tiếng gầm to hơn cả đại dương. Trên lối đi lát ván, một người bán dưa hấu người Ý lấy dao gõ vào tấm thiếc mời khách bằng một giọng hoang dại. Mỗi người rao một phách: người bán bỏng ngô và hot dog, kem và đậu phộng, kẹo bông và ngô xiên. Tôi đi qua một sô diễn trưng bày một sinh vật nửa phụ nữ, nửa cá; một bảo tàng tượng sáp với các hình nhân Marie Antoinette, Buffalo Bill, và John Wilkes Booth; một cửa hàng nơi một nhà chiêm tinh đội khăn xếp ngồi trong bóng tối, bao quanh là các bản đồ và các quả cầu những chòm sao trên trời, sắp ra các lá số tử vi. Các chú lùn nhảy múa trước một rạp xiếc nhỏ, mặt đen tô trắng, tất cả đều được buộc qua loa bằng một sợi dây dài. Một con khỉ máy ưỡn bụng như cái ống thổi và cười khè khè. Các cậu bé da đen nhắm súng vào những con vịt kim loại. Một người đàn ông cởi trần, râu đen và tóc dài đến vai, rao những lọ thuốc giúp tăng cường cơ bắp, làm đẹp da và mang lại sức lực đã mất. Anh ta tay không giật đứt những sợi xích nặng trĩu và bẻ cong đồng xu giữa các ngón tay. Xa hơn một chút, một thầy đồng quảng cáo rằng mụ đang gọi các linh hồn từ cõi chết trở về, đoán trước tương lai và đưa ra những lời khuyên tình yêu và hôn nhân. Tôi đã mang theo mình cuốn Giáo dục ý chí của Payot bản tiếng Ba Lan. Cuốn sách này, dạy cách vượt qua sự lười biếng và làm công việc tâm linh có hệ thống, đã trở thành Kinh Thánh thứ hai của tôi. Nhưng tôi đã làm ngược lại những gì cuốn sách rao giảng. Tôi lãng phí ngày tháng của mình với những ước mơ, những lo lắng, những tưởng tượng trống rỗng và nhốt mình trong những cuộc tình không có tương lai.
*
Ở cuối lối đi lát ván, tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài. Hằng ngày, cùng một nhóm các ông già tụ tập ở đó để thảo luận về chủ nghĩa Cộng sản. Một người đàn ông nhỏ thó, mặt tròn đỏ và tóc trắng như bọt biển, lắc đầu dữ dội và hét lên, “Ai sẽ cứu các công nhân – Hitler? Mussolini? Tên phát xít xã hội Léon Blum? Tên cơ hội Norman Thomas? Đồng chí Stalin muôn năm! Phúc cho đôi tay của anh ấy!”
Một người đàn ông sống mũi vằn những mạch máu đứt hét lên: “Thế các vụ xét xử ở Moskva thì sao? Hàng triệu công nhân và nông dân bị Stalin đày tới Siberia thì sao? Các tướng Liên Xô mà đồng chí Stalin của anh đã xử tử thì sao?” Mình ông ta ngắn và đậm, cứ như phần giữa đã bị cưa mất. Ông nhổ nước bọt vào khăn tay và hét lên, “Bukharin có thật là điệp viên Đức không? Trotsky có nhận tiền từ Rockefeller không? Kamenev có phải là kẻ thù của giai cấp vô sản không? Bản thân anh và giai cấp vô sản thì sao – đồ chủ nhà ổ chuột!”
Tôi thường tưởng tượng những người đàn ông này không dừng lại ăn hay ngủ mà tranh luận liên tu bất tận. Họ nhảy bổ vào nhau như những con dê đực sẵn sàng lao vào húc. Tôi đã lấy sổ và bút máy ra để ghi lại một chủ đề (có lẽ về những người tranh luận này), nhưng thay vào đó tôi vẽ một người đàn ông nhỏ bé với đôi tai dài, mũi giống sừng cừu đực, chân ngỗng và hai cái sừng trên đầu. Một lúc sau tôi phủ vảy lên người anh ta và gắn thêm cánh. Tôi nhìn xuống cuốn Giáo dục ý chí. Kỷ luật? Tập trung? Điều đó sẽ giúp được gì nếu tôi phải bỏ mạng trong các trại tập trung của Hitler? Tôi có sống sót đi chăng nữa thì một cuốn tiểu thuyết hay một truyện ngắn khác sẽ giúp gì cho nhân loại? Các nhà siêu hình học đã bỏ cuộc quá sớm, tôi kết luận. Hiện thực không duy ngã cũng không duy vật. Người ta nên bắt đầu từ đầu: Thời gian là gì? Không gian là gì? Đây là chìa khóa cho toàn bộ câu đố. Ai biết được, có lẽ định mệnh của tôi là giải quyết nó.
Tôi nhắm mắt lại và quyết tâm một lần và mãi mãi vượt qua rào cản giữa ý tưởng và hiện hữu, các phạm trù của lý trí thuần và vật tự thân. Qua mí mắt mặt trời chiếu đỏ. Tiếng sóng vỗ và tiếng người huyên náo lẫn vào nhau. Tôi cảm thấy, gần như có thể sờ thấy, mình chỉ còn cách sự thật một bước. “Thời gian chẳng là gì, không gian chẳng là gì,” tôi lẩm bẩm. Nhưng cái hư vô ấy là nền của bức tranh thế giới. Vậy bức tranh thế giới là gì? Nó là vật chất? Nó là tinh thần? Nó là từ tính hay lực hút? Và cuộc sống là gì? Đau khổ là gì? Ý thức là gì? Và nếu có Chúa thì Ngài là gì? Chất có các thuộc tính vô hạn? Monad của các Monad? Ý chí mù? Cái vô thức? Liệu Ngài có thể nào là tình dục, như các nhà cabala gợi ý? Chúa có phải là một cơn cực khoái không bao giờ dứt? Cái hư vô phổ quát có phải là nguyên lý của nữ tính hay không? Tôi sẽ không đi đến quyết định nào bây giờ, tôi quyết định. Biết đâu ban đêm, trên giường…
Tôi mở mắt và đi về phía Brighton. Những thanh dầm đường sắt trên cao quăng một tấm lưới nắng lẫn bóng xuống vỉa hè. Một đoàn tàu từ Manhattan vút qua với tiếng lạch cạch chói tai. Bất luận thời gian và không gian có được định nghĩa thế nào, tôi nghĩ, nó cũng không thể đồng thời ở Brooklyn và Manhattan. Tôi đi qua các cửa sổ trưng bày những tấm nệm, những mẫu ngói, những con gà kosher. Tôi dừng lại ở một nhà hàng Trung Hoa. Tôi có nên vào ăn trưa không? Không, trong quán ăn nó có thể rẻ hơn được năm xu. Tôi chỉ còn gần như là đồng xu cuối cùng. Nếu bản thảo của tôi, “Sau cuộc ly hôn,” không được đăng trên ấn bản Chủ nhật thì chỉ còn nước tự sát.
Bước trở lại, tôi ngạc nhiên với chính mình. Làm sao tôi có thể cho phép tài chính của mình đi xuống như vậy? Đúng là khách du lịch không được phép làm việc, nhưng làm thế nào Sở Di trú và Nhập tịch biết được tôi rửa bát trong nhà hàng, biết tôi được nhận được việc giao thư, hay làm giáo viên tiếng Do Thái? Cứ đợi đến lúc bạn cháy túi thì thật điên rồ. Đúng là tôi đã tự thuyết phục mình rằng tôi có thể cầm cự bằng thức ăn thừa trên bàn quán ăn. Nhưng sớm muộn gì quản lý hoặc thu ngân cũng sẽ nhận thấy một tên gom thức ăn thừa. Người Mỹ thà vứt đồ ăn vào thùng rác còn hơn để người ta ăn mà không trả tiền. Nghĩ đến thức ăn làm tôi đói. Tôi nhớ lại những gì đã đọc về việc nhịn ăn. Có nước uống, người ta có thể sống được khoảng sáu mươi ngày. Tôi đã đọc ở đâu đó khác rằng trong một chuyến thám hiểm Nam Cực hay Bắc Cực Amundsen đã phải ăn một chiếc ủng của mình. Cơn đói hiện tại của tôi, tôi tự nhủ, chẳng là gì ngoài sự cuồng loạn. Hai quả trứng và một ổ bánh chứa đủ tinh bột, chất béo và protein cho những ngày sắp tới. Dẫu sao đi nữa tôi vẫn cảm thấy cồn cào trong bụng. Đầu gối tôi yếu hẳn. Đêm hôm ấy tôi sẽ gặp Esther, và đói sẽ dẫn đến bất lực. Tôi chỉ vừa đủ sức đến được quán ăn. Tôi bước vào, lấy một tờ phiếu và đến quầy tự chọn. Tôi biết những người bị kết án tử hình cũng được gọi bữa ăn cuối cùng; người ta thậm chí còn không muốn bị xử tử khi đói. Tôi nghĩ đây là bằng chứng cho thấy sự sống và cái chết không có mối liên hệ nào. Vì cái chết không có thực chất nên nó không thể kết thúc sự sống. Nó chỉ là một cái khung cho các quá trình sống vĩnh cửu.
Tôi vẫn chưa ăn chay, nhưng đã nghiền ngẫm về việc ăn chay. Tuy nhiên, tôi vẫn chọn món sườn non nấu cải ngựa với khoai tây luộc và đậu lima, một bát xúp mì, một ổ bánh lớn, một tách cà phê và một miếng bánh – tất cả hết sáu mươi xu. Cầm khay, tôi đi ngang qua những cái bàn vương vãi thức ăn sót lại, rồi dừng lại ở một cái bàn sạch sẽ. Trên ghế có một tờ báo lá cải buổi chiều. Mặc dù muốn đọc, tôi nhớ lại lời của Payot: người trí thức nên ăn chậm, nhai kỹ từng miếng, và không vừa ăn vừa đọc. Tôi vẫn lướt qua các tiêu đề. Hitler lại đòi Hành lang Ba Lan. Śmigły-Rydz tuyên bố tại hạ viện rằng Ba Lan sẽ chiến đấu vì từng tấc đất lãnh thổ. Đại sứ Đức tại Tokyo đã có buổi yết kiến Thiên hoàng. Một vị tướng về hưu ở Anh chỉ trích Phòng tuyến Maginot và dự đoán rằng nó sẽ bị chọc thủng ngay lần tấn công đầu tiên. Các thế lực thống trị vũ trụ đang chuẩn bị bày thảm họa.
Ăn xong, đếm tiền, tôi mới nhớ ra là phải gọi điện đến báo để hỏi thăm tình hình bản thảo. Tôi biết một cuộc gọi từ Coney Island đến Manhattan tốn mười xu, và chủ biên tờ Chủ nhật, Leon Diamond, hiếm khi đến văn phòng. Song tôi không thể phó mặc mọi thứ cho số phận. Một xu sẽ không thay đổi được tình hình. Tôi kiên quyết đứng dậy, tìm một bốt điện thoại trống và gọi điện. Tôi cầu nguyện với các thế lực đang bày thảm họa thế giới để người điều hành bốt không cho tôi sai số. Tôi đọc số rõ ràng nhất có thể bằng giọng của mình, và người điều hành bốt bảo tôi bỏ tiền vào. Cô gái ở tổng đài trả lời và tôi hỏi gặp Leon Diamond. Tôi gần như chắc chắn rằng cô ấy sẽ bảo tôi là ông ấy không có ở văn phòng, nhưng tôi nghe thấy giọng ông ấy trên đường dây. Tôi bắt đầu lắp bắp và biện hộ cho mình. Khi tôi giới thiệu danh tính, ông ấy nói cộc lốc, “Truyện của anh sẽ in vào Chủ nhật.”
“Cảm ơn ông. Cảm ơn ông rất nhiều.”
“Gửi tôi truyện mới. Tạm biệt.”
“Một phép màu! Một phép màu trên trời!” tôi hét lên với chính mình. Đúng lúc tôi cúp máy thì một phép màu khác xảy ra; tiền bắt đầu đổ ra từ điện thoại – những đồng năm, mười, hai mươi lăm xu. Trong một giây tôi đã do dự; lấy nó sẽ là hành vi trộm cắp. Nhưng dẫu sao thì Công ty Điện thoại cũng sẽ không bao giờ lấy lại được nó, và ai đó không cần số tiền đó bằng tôi sẽ nhặt được thôi. Đã bao nhiêu lần tôi đút những đồng mười xu vào điện thoại mà không kết nối được rồi! Tôi nhìn quanh và thấy một người đàn bà béo mặc đồ bơi và đội mũ rơm rộng vành đang đợi bên ngoài. Tôi vơ hết đồng xu, nhét chúng vào túi và rời đi, cảm giác như một người mới. Trong đầu tôi thầm xin lỗi các thế lực biết tất cả mọi chuyện. Tôi bước ra khỏi quán ăn và sải bước về phía Sea Gate. Tôi tính: nếu nhận được năm mươi đô cho bản thảo, tôi sẽ đưa cho bà Berger ba mươi đô để trả tiền nhà và tiền ăn sáng mà vẫn còn hai mươi đô để tiêu. Cạnh đó, tôi còn lấy lại được lòng tin của bà và có thể ở tiếp. Nếu thế, tôi nên gọi cho Lieberman, tay luật sư. Ai biết được, có khi anh ta đã có tin tức từ lãnh sự ở Toronto. Khách du lịch sẽ không thể lấy thị thực thường trú trong khi ở Hoa Kỳ. Tôi sẽ phải đến Cuba hoặc Canada. Đến Cuba thì quá đắt để cân nhắc, nhưng liệu Canada có cho tôi nhập cảnh không? Lieberman đã báo trước là tôi có thể sẽ phải đi lậu từ Detroit sang Windsor, và bất cứ ai đưa tôi qua cầu sẽ đòi một khoản phí một trăm đô la.
Đột nhiên tôi nhận ra mình đã không phạm một lần trộm cắp mà tận hai lần. Trong cơn phấn khích, tôi đã quên trả tiền ăn trưa. Tôi vẫn cầm tờ phiếu trên tay. Đây chắc chắn là do Satan. Trời đã cám dỗ tôi. Tôi quyết định quay lại và trả sáu mươi xu. Tôi bước nhanh, gần như chạy. Trong quán ăn, một người đàn ông mặc đồng phục trắng đang đứng cạnh gã thu ngân. Họ nói tiếng Anh. Tôi muốn đợi cho đến khi họ nói chuyện xong, nhưng họ cứ nói mãi. Gã thu ngân liếc xéo về phía tôi và hỏi, “Anh cần gì?”
Tôi trả lời bằng tiếng Yiddish, “Tôi quên trả tiền ăn.”
Anh ta nhăn mặt và lẩm bẩm, “Đừng bận tâm, anh đi về đi.”
“Nhưng –”
“Về đi mà lại,” anh ta hầm hè, rồi nháy mắt.
Thế là tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người đàn ông mặc đồng phục trắng hẳn là chủ hoặc quản lý, và gã thu ngân không muốn ông ta thấy anh ta đã để một khách hàng đi mà không trả tiền. Các thế lực đang âm mưu cho tôi hết may mắn này đến may mắn khác. Tôi ra ngoài, qua cửa kính tôi thấy gã thu ngân và người đàn ông mặc đồng phục trắng đang cười. Họ cười tôi, gã non tơ, với tiếng Yiddish của tôi. Nhưng tôi biết Thiên đường đang thử thách tôi, đặt công lao và tội lỗi của tôi lên một bàn cân: tôi xứng đáng ở lại Mỹ hay phải bỏ mạng ở Ba Lan. Tôi cảm thấy xấu hổ vì có quá nhiều đức tin sau khi tự gọi mình là người theo thuyết bất khả tri hay một kẻ không tin, và tôi nói với những người chỉ trích vô hình của mình, “Rốt cuộc, ngay cả theo Spinoza, mọi thứ đều được xác định. Trong vũ trụ không có sự kiện lớn hay nhỏ. Đối với vĩnh hằng, một hạt cát cũng quan trọng như một dải ngân hà.”
Tôi không biết làm gì với tờ phiếu. Tôi nên giữ nó đến mai hay vứt nó đi? Tôi quyết định sẽ đưa tiền cho gã thu ngân mà không cần đến nó. Tôi xé nó thành từng mảnh và ném vào thùng rác.
*
Về nhà, tôi gục xuống giường và chìm vào giấc ngủ say, nơi tôi tìm ra bí mật của thời gian, không gian và nhân quả. Nó tưởng chừng đơn giản đến khó tin, nhưng tôi vừa mở mắt thì tất cả đã quên hết. Chỉ còn lại hương vị của một cái gì đó phi phàm và kỳ diệu. Trong mơ, tôi đặt cho khám phá triết học của mình một cái tên có thể là tiếng Latinh, tiếng Do Thái, tiếng Aram hay cả ba kết hợp lại. Tôi nhớ mình đã nói, “Hiện hữu chẳng là gì ngoài…” rồi đến cái từ trả lời cho mọi câu hỏi. Bên ngoài, trời đã chạng vạng. Những người đi tắm và đi bơi đã về hết. Mặt trời lặn xuống đại dương, để một lại vệt lửa. Một làn gió mang theo mùi thối rữa dưới nước. Một đám mây hình con cá khổng lồ xuất hiện từ hư không, trăng lấp ló sau lớp vảy của nó. Thời tiết đang thay đổi; tiếng chuông báo sương của ngọn hải đăng vang lên sắc lẹm. Một chiếc tàu kéo kéo theo ba chiếc sà lan tối om. Nó dường như không thể di chuyển, như thể Đại Tây Dương đã biến thành Biển Đông Đặc mà tôi từng đọc trong truyện.
Không cần phải hà tiện nữa, tôi đến quán cà phê ở Sea Gate và gọi bánh pho mát và cà phê. Một nhà báo Yiddish, người góp bài cho tờ báo in các bản thảo của tôi, đến ngồi vào bàn của tôi. Ông ta có mái tóc bạc trắng và khuôn mặt hồng hào.
“Dạo này cậu trốn đâu thế? Chẳng ai thấy cậu cả. Tôi được bảo là cậu sống ở đây, Sea Gate.”
“Vâng, tôi sống ở đây.”
“Tôi đã thuê một phòng chỗ Esther. Cậu biết cô ấy là ai đấy – vợ cũ của gã nhà thơ điên. Sao cậu không qua? Giới làm báo Yiddish ở đó cả. Họ còn nhắc đến cậu mấy lần.”
“Thật ư? Ai?”
“Ồ, các nhà văn. Đến Esther còn khen cậu. Tôi thì nghĩ cậu có tài năng đấy, nhưng cậu chọn chủ đề chẳng ai quan tâm và chẳng ai tin. Làm gì có ma quỷ. Làm gì có Chúa.”
“Ông có chắc không?”
“Hoàn toàn chắc.”
“Ai đã tạo ra thế giới?”
“Ôi chao. Câu hỏi cũ. Tất cả là tự nhiên thôi. Tiến hóa. Ai tạo ra Chúa? Cậu thật sự tôn giáo thế à?”
“Thỉnh thoảng tôi có.”
“Chỉ để cay đắng mà thôi. Nếu có Chúa, tại sao Ngài cho phép Hitler kéo những người vô tội đến Dachau? Thế thị thực của cậu thì sao? Cậu đã làm gì chưa? Nếu chưa, cậu sẽ bị trục xuất, Chúa của cậu sẽ chẳng lo lắng gì về chuyện đó đâu.”
Tôi kể cho ông những rắc rối của mình, rồi ông bảo, “Cậu chỉ còn một cách – lấy một phụ nữ công dân Mỹ. Thế cậu sẽ hợp pháp. Rồi sau cậu có thể lấy giấy tờ và trở thành công dân.”
“Tôi sẽ không bao giờ làm thế,” tôi nói.
“Sao không?”
“Thế sẽ là xúc phạm cả người phụ nữ ấy lẫn tôi.”
“Rồi rơi vào tay Hitler thì tốt hơn? Đấy chỉ là niềm kiêu hãnh ngớ ngẩn mà thôi. Cậu viết như một người chín chắn, nhưng cậu cư xử như một đứa trẻ vậy. Cậu bao tuổi rồi?”
Tôi trả lời ông.
“Ở tuổi cậu, tôi đã bị đày đến Siberia vì hoạt động cách mạng.”
Người phục vụ đi tới, tôi đang định trả tiền thì ông nhà văn lấy tấm phiếu của tôi. Hôm nay thật quá may mắn, tôi nghĩ.
Tôi nhìn ra cửa và thấy Esther. Cô ấy thường ghé qua đây vào buổi tối, đó là lý do tôi tránh quán cà phê. Esther và tôi đã tính giữ bí mật chuyện tình cảm của mình. Bên cạnh đó, ở Mỹ tôi đã trở nên bẽn lẽn như thể mắc bệnh. Chứng đỏ mặt thời thiếu niên của tôi đã trở lại. Ở Ba Lan tôi chưa bao giờ nghĩ mình thấp, nhưng giữa những người Mỹ khổng lồ tôi trở nên nhỏ bé. Bộ vét Warsaw của tôi trông kỳ dị, với ve áo rộng và vai độn. Thêm nữa, nó quá nặng cho cái nóng ở New York. Esther liên tục trách móc tôi vì mặc cổ áo cứng, mặc ghi lê và đội mũ trong thời tiết nóng bức. Cô ấy nhìn thấy tôi và có vẻ ngượng ngùng, như một cô gái Ba Lan tỉnh lẻ. Chúng tôi chưa bao giờ ở cùng nhau nơi công cộng. Chúng tôi dành thời gian bên nhau trong bóng tối, như hai con dơi. Cô ấy dợm bỏ đi, nhưng bạn cùng bàn của tôi đã gọi cô ấy. Cô loạng choạng tiến lại gần. Cô mặc váy trắng và đội một chiếc mũ rơm có dải ruy băng màu xanh lá cây. Da cô rám nâu vì nắng, đôi mắt đen của cô có một ánh lấp lánh như một cô gái. Trông cô không giống một phụ nữ gần bốn mươi, nhưng mảnh mai và trẻ trung. Cô ấy đến và chào tôi như thể tôi là người lạ. Theo kiểu châu Âu, cô ấy bắt tay tôi. Cô mỉm cười thẹn thùng và nói “anh” với tôi thay vì “cậu.”
“Anh khỏe không? Lâu rồi tôi không thấy anh,” cô nói.
“Nó đang trốn.” Ông nhà văn trách tôi. “Thị thực thì chẳng lo, người ta sẽ đưa nó về Ba Lan thôi. Chiến tranh sắp nổ ra rồi. Tôi bảo nó kết hôn với phụ nữ Mỹ vì làm thế sẽ có thị thực, nhưng nó không nghe.”
“Sao không?” Esther hỏi. Hai má cô bừng sáng. Cô nở một nụ cười trìu mến, đăm chiêu. Cô ngồi xuống mép ghế.
Tôi muốn trả lời một cách khéo léo, sắc bén. Nhưng thay vào đó, tôi ngượng ngùng nói: “Tôi sẽ không kết hôn chỉ để xin thị thực đâu.”
Ông nhà văn mỉm cười, nháy mắt. “Tôi không phải bà mối, nhưng hai người sẽ thành một cặp xứng đôi đấy.”
Esther nhìn tôi đầy thắc mắc, cầu xin và trách móc. Tôi biết mình phải trả lời ngay lúc ấy, hoặc nghiêm túc hoặc bằng một câu nói đùa, nhưng không thốt ra được lời nào. Tôi thấy nóng bừng. Sơ mi tôi ướt đẫm và tôi bị dính chặt vào chỗ ngồi. Tôi có cái cảm giác đau đớn là ghế của tôi đang lật. Sàn nhà dộng lên và những ánh đèn trên trần đan vào nhau, kéo dài và mờ ảo. Quán cà phê bắt đầu quay vòng như một băng chuyền.
Esther đột ngột đứng dậy. “Tôi phải đi gặp người này,” cô nói, quay đi. Tôi nhìn cô ấy vội vã đi ra cửa. Ông nhà văn mỉm cười đầy hiểu biết, gật đầu và đi qua bàn khác để trò chuyện với một đồng nghiệp. Tôi vẫn ngồi, sững sờ trước vận may thay đổi đột ngột. Trong cơn bàng hoàng tôi lấy những đồng xu trong túi ra và bắt đầu đếm đi đếm lại, nhận dạng bằng tay hơn là bằng mắt, làm các phép tính phức tạp. Mỗi lần lại ra một con số khác nhau. Trong trò chơi của tôi với các quyền lực trên cao lúc này, tôi dường như đã thắng được một đô la vài xen và đã đánh mất nơi trú ẩn ở Mỹ và một người phụ nữ mà tôi thực sự yêu quý.
Isaac Bashevis Singer, “A Day in Coney Island,” trans. author and Laurie Colwin, A Crown of Feathers and Other Stories (Farrar, Straus and Giroux, 1973). This story was first published in The New Yorker (July 31, 1971 Issue).
Copyright © 1973 by Isaac Bashevis Singer | Nguyễn Huy Hoàng dịch.