Joseph Brodsky sinh năm 1940 ở Leningrad và định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1972 sau khi bị chính quyền Liên Xô trục xuất. Ông được trao giải phê bình của Hiệp hội Nhà Phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 1986 và giải Nobel văn chương năm 1987, sau đó được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ từ năm 1991 đến năm 1992. Ông qua đời ở New York City năm 1996.
cho Ulf Linde
Thưa các dã nhân, tuy tôi chưa bao giờ thuần thục ngôn ngữ của các vị, không
đại từ và danh động từ,
tôi đã học cách nướng cá thu bọc trong lá cọ và ưa món chân rùa sống,
với hương vị của sự chậm của chúng. Ẩm thực học mà nói, phải thừa nhận, mấy
năm nay
kể từ khi tôi trôi dạt vào đây đã là một hành trình không nghỉ,
và rốt cuộc tôi không biết mình ở đâu. Suy cho cùng, người ta chỉ tiếp tục khắc
những cái khía
chừng nào không có ai bắt chước mình. Mà các vị đã bắt đầu bắt chước tôi
trước cả khi tôi nhìn ra
các vị. Hãy xem các vị đã làm gì với những cái cây kia! Dẫu thật hãnh diện
khi được coi
là một vị thần ngay cả bởi các vị, đến lượt tôi, tôi cũng bắt chước các vị
phần nào, nhất là với các cô gái
—một phần để che mờ quá khứ, với con tàu xấu số của nó, nhưng cũng để
phủ mây lên tương lai,
thiếu vắng một cánh buồm căng gió. Những hòn đảo là những kẻ thù tàn ác
của các thì, ngoại trừ thì hiện tại. Và xác tàu đắm chỉ là những cuộc chạy trốn
khỏi ngữ pháp
vào quan hệ nhân quả thuần. Hãy nhìn xem cuộc sống không gương đã làm gì
với các đại từ, chưa nói đến những đường nét của một người! Có lẽ tổ tiên
của các vị cũng
đã bị đưa đẩy đến bãi biển tuyệt diệu này theo một cách tương tự
với cách của tôi. Bởi vậy, mà thái độ của các vị đối với tôi. Trong mắt các vị, tôi
chí ít là một hòn đảo trong một hòn đảo. Và dẫu sao, dõi theo từng bước chân tôi,
các vị biết rằng tôi chẳng khao khát cái quá khứ phân từ hay quá khứ tiếp diễn
—well, không hơn gì cái tương lai hoàn thành của các vị sâu trong một
hang động ẩm ướt nào đó,
được tô điểm bằng tảo bẹ khô và những chiếc lông vũ. Tôi viết thư này bằng
ngón trỏ của mình
trên bãi biển ướt, lóng lánh lúc hoàng hôn, được gợi cảm hứng có lẽ
bởi quang cảnh những ngọn cọ xòe tán trên bầu trời bạch kim như một vài
Hán tự. Dẫu là tôi chưa từng học thứ ngôn ngữ đó. Vả lại, cơn gió
cũng lùa chúng quá nhanh để người ta có thể nhận ra được thông điệp.
Joseph Brodsky, “Infinitive,” So Forth (Farrar, Straus and Giroux, 1996). This poem was first published in The New York Review of Books (July 14, 1994 Issue).
Copyright © 1994 by Joseph Brodsky | Nguyễn Huy Hoàng dịch.