Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Truyện ngắn: “Bạn của con người” – Primo Levi

Primo Levi sinh năm 1919 ở Turin, Ý. Là một nhà hóa học, ông bị bắt trong Thế chiến thứ II do tham gia phong trào kháng chiến chống Phát xít và bị đưa đến Auschwitz năm 1944. Trải nghiệm trong trại tử thần và những chuyến đi đến Đông Âu sau này là chủ đề của những cuốn hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận và thơ của ông. Ông qua đời ở Turin năm 1987.

Bạn của con người

Những quan sát đầu tiên về cấu trúc các tế bào biểu mô của sán dây có từ năm 1905 (Serrurier). Tuy nhiên, Flory mới là người đầu tiên nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của chúng, khi mô tả những phát hiện của mình trong một cuốn hồi ký dài viết vào năm 1927 và kèm theo những bức ảnh sống động mà qua đó lần đầu tiên người bình thường có thể nhìn thấy cái gọi là “bức khảm Flory”. Như đã biết, đó là các tế bào dẹt, hình đa giác không đều, được sắp xếp thành các đường thẳng song song và có đặc trưng là tự sao chép từ các phần tử giống nhau ở những khoảng gián đoạn khác nhau và số lượng lên tới hàng trăm. Ý nghĩa của chúng được phát hiện trong một hoàn cảnh bất thường: công lao không thuộc về một nhà mô học hay một nhà động vật học, mà thuộc về một nhà Đông phương học.

Bernard W. Losurdo, giáo sư Assyria học tại Đại học Bang Michigan, đã bắt gặp những bức ảnh của Flory trong thời gian buộc phải nghỉ, trên thực tế, chính vì sự hiện diện của loại ký sinh trùng mệt mỏi này, và do đó, được gợi cảm hứng từ một mối quan tâm hoàn toàn do hoàn cảnh. Song nhờ kinh nghiệm nghề nghiệp mà một số đặc điểm trước đây bị người khác bỏ qua đã không thoát khỏi sự chú ý của ông: các hàng bức khảm được tạo nên từ một số lượng tế bào giới hạn chỉ khác nhau chút ít (khoảng 25 đến 60); các nhóm tế bào tồn tại tự sao chép với tần suất rất cao, như thể liên kết này là bắt buộc; cuối cùng (đây là chìa khóa của bí ẩn), các tế bào cuối cùng của mỗi hàng được sắp xếp theo một sơ đồ có thể định nghĩa là nhịp nhàng.

Nhất định đây là một trường hợp may mắn khi bức ảnh đầu tiên mà Losurdo xem xét đã tiết lộ một sơ đồ đặc biệt đơn giản: bốn tế bào cuối của hàng đầu tiên giống hệt bốn tế bào cuối của hàng thứ ba; ba tế bào cuối của hàng thứ hai trùng với ba tế bào cuối của hàng thứ tư và thứ sáu; cứ thế, theo sơ đồ vần nổi tiếng của thể thơ terza rima. Tuy nhiên, cần có sự dũng cảm lớn lao về mặt trí tuệ để thực hiện bước tiếp theo, cụ thể là đưa ra giả thuyết rằng toàn bộ bức khảm không được ghép vần theo nghĩa thuần ẩn dụ, mà nó chính là một bài thơ và truyền đạt một ý nghĩa.

Losurdo có sự dũng cảm này. Công việc giải mã tốn nhiều thời gian và công sức, và xác nhận trực giác ban đầu của ông. Kết luận của vị học giả được tóm tắt ngắn gọn như sau.

Khoảng 15% cá thể Taenia solium trưởng thành mang khảm Flory. Bức khảm, khi tồn tại, được lặp lại giống hệt nhau ở tất cả các đốt sán trưởng thành, và là bẩm sinh. Do đó, nó là đặc điểm riêng của từng cá thể, có thể so (chính Losurdo nhận xét) với dấu vân tay hay các đường chỉ tay của con người. Nó bao gồm một số “dòng thơ”, dao động từ 10 đến hơn 200 dòng, đôi khi có vần, đôi khi có thể định nghĩa đúng hơn là văn xuôi có nhịp điệu. Dẫu vẻ ngoài là thế, nó không phải là một bảng chữ cái, hay, đúng hơn (ở đây ta không thể làm gì tốt hơn là trích dẫn chính Losurdo), “nó là một hình thức biểu đạt vừa phức tạp vừa đơn sơ, trong đó, cùng một bức khảm, đôi khi cùng một dòng thơ, ta thấy chữ viết chữ cái xen lẫn với biểu âm, tượng hình với âm tiết, không có tính đều đặn rõ ràng, như thể có một tiếng vọng, rút ngắn và hòa lẫn, của kiến thức cổ xưa mà loài ký sinh trùng có được về các hình thức văn hóa khác nhau của vật chủ; như thể con sán đã hấp thụ, cùng với dịch thể con người, một phần khoa học của anh ta”.

Cho đến nay không có nhiều bức khảm được Losurdo và các cộng sự của ông giải mã. Một số thô sơ và rời rạc, hầu như không khớp nối, mà Losurdo gọi là “thán ngữ”. Khó diễn giải nhất, chúng chủ yếu thể hiện sự thích thú đối với chất lượng hoặc số lượng thức ăn, hoặc sự ghê tởm đối với một số thành phần khó chịu hơn của dưỡng chấp. Số khác căn bản là một câu nói đạo đức ngắn gọn. Đoạn sau đây, phức tạp hơn nhưng không rõ giá trị giáo dục, được hiểu là tiếng than thở của một cá thể trong tình trạng đau khổ, kẻ cảm thấy sự trục xuất đã gần:

“Tạm biệt, giấc ngủ ngọt ngào và chỗ ở ngọt ngào: không còn ngọt ngào nữa với ta, vì thời của ta đã đến. Một nỗi mệt mỏi đè nặng […] than ôi, cứ để ta như thế, bị bỏ quên trong góc, trong ấm áp dễ chịu. Nhưng ở đây, cái là thức ăn thì là chất độc, nơi có hòa bình thì có thịnh nộ. Đừng lần lữa, mi không còn được chào đón nữa. Hãy tách lìa […] và đi vào vũ trụ thù địch”.

Một số bức khảm dường như ám chỉ đến quá trình sinh sản và tình yêu lưỡng tính bí ẩn của sán:

“Người, tôi. Ai có thể chia cắt chúng ta vì chúng ta là một thịt. Người, tôi. Người phản chiếu tôi và tôi nhìn thấy chính mình. Một và nhiều: mỗi phần của tôi là trật tự và niềm vui. Một và nhiều: ánh sáng là cái chết, bóng tối là bất tử. Hãy đến đây, người bạn đời liền kề, hãy ôm tôi khi giờ điểm. Tôi đến, và tất cả […] của tôi cất tiếng hát với thiên đường”.

“Tôi đã phá vỡ [màng?] và tôi mơ thấy mặt trời và mặt trăng. Tôi tự quấn lấy mình, và thiên đường đã đón nhận tôi. Quá khứ trống không, đức hạnh thấm thoắt, con cháu vô biên”.

Nhưng đáng quan tâm hơn nhiều là một vài bức khảm ở cấp độ cao hơn rõ ràng, vạch ra biên giới mới và ly kỳ của mối quan hệ tình cảm giữa ký sinh trùng và vật chủ. Chúng tôi sẽ dẫn một số đoạn quan trọng nhất:

“Hãy nhân từ với tôi, hỡi đấng quyền năng, và nhớ đến tôi trong giấc ngủ của người. Thức ăn của người là thức ăn của tôi, cái đói của người là cái đói của tôi: hãy từ chối, làm ơn, tỏi đắng và [quế?] nồng. Mọi thứ đều đến từ người: những chất dịch lành cho tôi sự sống, sự ấm áp nơi tôi ở và ca ngợi thế giới. Cầu cho tôi không bao giờ đánh mất người, vị chủ nhà hào phóng của tôi, vũ trụ ấm áp của tôi. Không khí người hít thở, ánh sáng người tắm táp đối với người như thế nào, thì người đối với tôi cũng như thế ấy. Cầu cho người trường thọ an khang”.

“Hãy nói, và tôi nghe. Hãy đi, và tôi theo. Hãy nghĩ, và tôi hiểu. Ai chung thủy hơn tôi? Ai hiểu người hơn tôi? Đây tôi nằm trung thành trong phủ tạng tối tăm của người và chế nhạo ánh sáng ban ngày. Hãy nghe: tất cả đều vô ích, trừ một cái bụng đầy. Tất cả đều bí ẩn, trừ […]”.

“Sức mạnh của người thấm vào tôi, niềm vui của người tràn xuống tôi, thịnh nộ của người [làm nhăn nhúm?] tôi, sự mệt mỏi của người hành hạ tôi, rượu của người tôn cao tôi. Tôi yêu người, đấng thiêng liêng. Hãy tha thứ tội lỗi của tôi và đừng xoay tôi khỏi lòng nhân từ của người”.

Tuy nhiên, lý do cho sự tội lỗi, chỉ được mơ hồ nhắc đến trên đây, xuất hiện với một sự nhấn mạnh gây tò mò trong một số bức khảm tiến bộ nhất. Đáng chú ý, Losurdo khẳng định, là chúng hầu như chỉ thuộc về các cá thể có kích thước và độ tuổi đáng kể, đã kiên trì chống lại một hoặc nhiều liệu pháp trục xuất. Chúng tôi sẽ trích dẫn ví dụ được biết đến nhiều nhất, hiện đã vượt qua những giới hạn của tài liệu khoa học chuyên ngành để được đưa vào một tuyển tập văn học nước ngoài gần đây, khơi gợi sự quan tâm phê bình của đông đảo độc giả.

“… tôi có nên gọi người là vô ơn chăng? Không, vì tôi đã đi quá xa và điên cuồng thuyết phục mình để vi phạm những giới hạn mà Tự nhiên áp đặt lên chúng tôi. Qua những cách bí ẩn và kỳ diệu, tôi đã đến với người. Nhiều năm, trong sự tôn thờ tín cẩn, tôi đã rút ra sự sống và kiến thức từ những nguồn của người. Tôi đã không được phép tiết lộ bản thân: đây là số phận đáng buồn của chúng tôi. Bị phơi bày và độc hại: từ đây, cơn thịnh nộ chính đáng của người, ôi thưa người. Than ôi, sao tôi chưa bỏ cuộc? Sao tôi khước từ sự chây ì khôn ngoan của tổ tiên?

Nhưng hãy lắng nghe: cũng như cơn thịnh nộ của người là chính đáng, thì sự táo bạo báng bổ của tôi cũng vậy. Ai mà không biết về nó? Những lời nói im lặng của chúng tôi không đến được tai người, các á thần kiêu ngạo. Chúng tôi, một quần thể không có tai mắt, không được người tôn trọng.

Bây giờ tôi sẽ đi, bởi vì người muốn. Tôi sẽ lặng lẽ đi, như phong tục của chúng tôi, để gặp số phận của mình trong cái chết hoặc trong sự biến hình dơ dáy. Tôi chỉ xin một ân huệ: rằng thông điệp này của tôi có thể đến được với người, được người suy ngẫm và hiểu. Người, hỡi con người đạo đức giả, kẻ đồng đẳng của tôi, người anh em của tôi”.

Văn bản này chắc chắn là rất đáng chú ý, bất kể đánh giá theo tiêu chí nào. Để giải đáp sự hiếu kỳ, chúng tôi phải báo cáo rằng mong muốn tột cùng của tác giả là vô ích. Trên thực tế, vật chủ vô tình của cá thể đó, một nhân viên không rõ danh tính của Ngân hàng Dampier (Illinois), đã từ chối nhìn vào nó một cách thẳng thừng.

Primo Levi, “Man’s Friend,” trans. Jenny McPhee, The Complete Works of Primo Levi (Liveright, 2015).

Copyright © 1962 by Primo Levi | Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Advertisement

One comment on “Truyện ngắn: “Bạn của con người” – Primo Levi

  1. norah
    November 15, 2021

    cảm ơn anh đã dịch. dạo này ít thấy báo ttct đăng truyện ngắn, nên cũng ít được đọc truyện anh dịch.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on November 14, 2021 by in Thơ and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: