Joseph Brodsky sinh năm 1940 ở Leningrad và định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1972 sau khi bị chính quyền Liên Xô trục xuất. Ông được trao giải phê bình của Hiệp hội Nhà Phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 1986 và giải Nobel văn chương năm 1987, sau đó được bổ nhiệm làm Poet Laureate của Hoa Kỳ từ năm 1991 đến năm 1992. Ông qua đời ở New York City năm 1996.
Hoàng hôn, rời khỏi hiên, còn bám vào chiếc ấm samovar,
nhưng trà đã nguội, hoặc cạn; một con ruồi đo độ ngọt của đĩa.
Một búi tóc dày làm Varvara Andreevna trông đằm thắm
hơn bao giờ hết. Chiếc áo cánh của cô được cài chặt
tới cằm. Vialtsev, ngồi sâu trong chiếc ghế bành, đang gật gù
với tờ tuần báo sột soạt in bài đánh Nội các mới nhất của Dubrovo.
Varvara Andreevna dưới chiếc váy loạt xoạt của cô
không mặc gì.
Cây đàn đen trong phòng khách đáp lại tiếng vỗ tay khô khan
của những cây táo gai. Vài hợp âm ngẫu nhiên của cậu sinh viên Maximov
đánh thức ve trong vườn. Trên bầu trời bạch kim,
các phi đội vịt, báo trước tương lai của ngành hàng không,
trôi về phía Đức. Giấu mình trong thư phòng tối,
Dunia ăn ngấu thư của Nikki, toàn những chuyện không đâu.
Xấu, nhưng dáng cân đối làm sao! Và rất không giống
như những cuốn sách.
Bởi thế mà Erlich nhăn mặt khi Kartashov gọi vào
để chơi bài cùng Prigozhin, tay bác sĩ và anh ta. “Rất hân hạnh.”
Ah, nhưng đuổi một con ruồi thì dễ hơn là gạt đi mơ tưởng
về một cô cháu gái, trần truồng trên chiếc xô pha bọc da
đuổi muỗi và chiến đấu với cái nóng – song vô ích.
Prigozhin vừa chia bài vừa ăn, với cái bụng gần như sắp đè sập
cái bàn. Có thể hỏi bác sĩ về cái nhọt be bé này không?
Có lẽ để sau cùng.
Chạng vạng giữa mùa hè áp bức; phần cận thị của ngày,
khi mỗi hình dạng và hình thức đánh mất quyết tâm, trở nên mơ hồ
một cách kỳ dị. “Với bộ vét lanh của anh, Piotr Lvovich, không quá khó
để nhầm anh thành một bức tượng trong ngõ.” “Thật ư?”
Erlich giả vờ bối rối, lau lau vành kính cặp mũi.
Song, đúng là kẻ xa dưới chạng vạng trông gần, kẻ gần trông lạ;
và Erlich cố gắng nhớ lại đã bao nhiêu lần anh có Natalia
Fiodorovna trong mơ.
Nhưng Vialtseva có yêu tay bác sĩ? Đám bu lô sần sùi vây lấy
những ô cửa sổ mở rộng của căn dacha với sự bỏ rơi như nông dân.
Chúng nên là kẻ được hỏi: cành và những ngọn cây đầy quạ.
Và nhất là cây du đã chui vào phòng ngủ của Varvara:
nó là kẻ duy nhất từng thấy cô chủ nhà chỉ mặc độc quần tất.
Bên ngoài, Dunia gọi đi tắm hồ đêm. “Đi, đồ lười biếng!”
Nhảy lên, lật ngược bàn! Khó, song, nếu như bạn là người cầm
mọi quân át.
Và dàn hợp xướng của những con ve sầu lớn dần theo số lượng
những ngôi sao trong vườn, nghe như tiếng nói của chúng.
Điều, có lẽ, cũng đúng. Mình đang ở đâu nhỉ?
Erlich băn khoăn, tháo dây kéo quần ở cửa nhà vệ sinh.
Chỗ đó là hai mươi dặm, cách đường sắt. Ở đâu đó một con gà trống gáy.
Cậu sinh viên Maximov, cởi cúc áo, trách các bộ trưởng vì sự trì trệ.
Ở các tỉnh, cũng vậy, không ai lên giường với ai,
như trong khắp thiên hà.
Joseph Brodsky, “Homage to Chekhov,” trans. Jonathan Aaron with the author, So Forth (Farrar, Straus and Giroux, 1996). This poem was first published in The New Yorker (August 7, 1995 Issue).
Copyright © 1993 by Joseph Brodsky | Nguyễn Huy Hoàng dịch.