Mario Vargas Llosa (1936–) là nhà văn người Peru. Ông được trao giải de Cervantes năm 1994 và giải Nobel văn học năm 2010. Tiểu luận “Nationalism and Utopia” được in trong Vargas Llosa, Touchstones: Essays on Literature, Art, and Politics, select., ed., and trans. John King (London: Faber and Faber, 2007). Bản dịch dưới đây có tham khảo bản gốc tiếng Tây Ban Nha, “El nacionalismo y la utopía,” El País, 1991.
Cambridge, tháng 11 năm 1992
Một chủ đề xuyên suốt trong tập tiểu luận vừa xuất bản của Sir Isaiah Berlin—The Crooked Timber of Humanity: Chapters in the History of Ideas—rất mang tính thời sự: chủ nghĩa dân tộc. Với nhận thức của mình về lịch sử, tình cảm đối với khu vực và cảnh quan, sự bảo vệ dành cho truyền thống, ngôn ngữ, và phong tục địa phương, và cách nó đem lại một mặt nạ ý thức hệ cho chủ nghĩa sô vanh, tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc, và chủ nghĩa giáo điều tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc trong vài năm tới chắc chắn sẽ là một thế lực chính trị lớn chống lại quá trình quốc tế hóa đời sống xã hội và kinh tế của chúng ta do sự phát triển của nền văn minh công nghiệp và văn hóa dân chủ đem lại.
Thứ ý thức hệ vốn cạnh tranh với sự bất khoan dung tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan cách mạng trong việc gây ra những cuộc chiến và những thảm họa xã hội tồi tệ nhất trong lịch sử này sinh ra từ đâu và như thế nào? Theo vị giáo sư già và thông thái nọ, chủ nghĩa dân tộc đến với thế giới, ban đầu dưới dạng lành tính, như một phản ứng trước những ước mơ không tưởng về xã hội hoàn hảo—xã hội từng tồn tại trong một thời đại hoàng kim trước đây hay sẽ được xây dựng trong tương lai dựa theo lý trí và khoa học—vốn là một trong những mô típ kiên định nhất của tư tưởng phương Tây.
Trong thế kỷ 18, một sử gia và triết gia người Napoli đã cách mạng hóa niềm tin rằng La Mã và Hy Lạp đã mang lại một mô hình tĩnh của sự tiến hóa của con người mà mọi xã hội nên hướng tới. Trong cuốn Scienza nuova [Khoa học mới], Giambattista Vico cho rằng điều này đơn giản là không đúng. Ông cho rằng lịch sử là vận động và mỗi giai đoạn đều có hình thái xã hội, tư tưởng, tín ngưỡng và phong tục, tôn giáo và đạo đức, độc đáo của riêng mình, và chúng chỉ được hiểu đúng nghĩa bởi những sử gia có thể kết hợp tài liệu và điều tra khảo cổ học với sự cảm thông và trí tưởng tượng mà ông gọi là giả tưởng. Bằng cách này, Vico đã giáng một đòn đau vào quan điểm vị chủng về sự tiến hóa của con người và đặt nền móng cho một quan niệm mang tính tương đối và đa nguyên chủ nghĩa về sự tiến hóa, trong đó mọi văn hóa, chủng tộc, và xã hội đều có quyền được xem xét như nhau.
Nhưng cái nôi thực sự của chủ nghĩa dân tộc lại là Đức và người ủng hộ nó trước nhất là Johann Gottfried Herder. Cái utopia mà ông chống lại không nằm trong quá khứ xa xôi mà nằm trong hiện tại áp đảo: Cách mạng Pháp, con gái của philosophes [“các triết gia” trong tiếng Pháp—các nhà tư tưởng Khai sáng] và máy chém, với đội quân tiến bước trên khắp lục địa, san bằng và hợp nhất lục địa dưới sức nặng của cùng các đạo luật, tư tưởng, và giá trị được ca ngợi là ưu việt và phổ quát, những tiền phong của một nền văn minh sẽ sớm bao trùm toàn bộ hành tinh. Chống lại mối đe dọa của một thế giới đồng nhất, nói tiếng Pháp và được tổ chức theo những nguyên tắc lạnh lùng và trừu tượng của chủ nghĩa duy lý, Herder dựng lên thành trì nhỏ bé được hình thành bằng máu, đất, và ngôn ngữ của mình: das Volk. Sự bảo vệ mà ông dành cho sự riêng biệt, cho trang phục và truyền thống địa phương, cho quyền có bản sắc được công nhận và tôn trọng của tất cả mọi người, mang một dấu hiệu tích cực. Nó không mang tính phân biệt chủng tộc hay phân biệt đối xử—như những tư tưởng sau này của Fichte chẳng hạn—và có thể được diễn giải như một lời biện hộ rất nhân văn và tiến bộ của các xã hội nhỏ và yếu khi phải đối mặt với các xã hội quyền lực mang thiết kế đế quốc. Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc của Herder lại mang tính đại đồng; lý tưởng của ông là một xã hội đa dạng, trong đó mọi dạng thức ngôn ngữ, dân gian, và sắc tộc của nhân loại có thể cùng tồn tại, không phân cấp hay định kiến, trong một bức tranh khảm văn hóa.
Nhưng những tư tưởng công bình, nhân từ ấy có thể trở nên bạo lực khi chúng rơi vào địa hạt tạo nên từ oán giận và lòng tự hào dân tộc bị tổn thương và, trên hết, từ chủ nghĩa phi lý Lãng mạn. Theo Berlin, chủ nghĩa lãng mạn là cuộc nổi dậy muộn chống lại sự nhục mạ người Đức của các đội quân của Richelieu và Louis XVI, thứ cản trở sự phục hưng của đạo Tin Lành ở miền Bắc. Và những thiết kế hiện đại hóa của Friedrich II của Phổ, người mang quan chức Pháp vào nước, cũng góp phần vào sự thù địch bị dồn nén đối với dân tộc Pháp bị khinh miệt và kiêu căng, xem bản thân như mẫu mực của trí tuệ và thị hiếu, và khiến dân Đức từ chối mọi thứ đến từ nước Pháp, nhất là những tư tưởng Khai sáng.
Với sự bành trướng về cá nhân, về lịch sử, và về các vấn đề địa phương của mình, đối lập với triết lý phổ quát và vượt thời gian của phong trào Khai sáng, phong trào Lãng mạn cho chủ nghĩa dân tộc một bước thúc lớn. Nó mang trên mình những hình ảnh đa màu và đậm sắc, đưa ra lời hùng biện cuồng nhiệt và đặt mình trong tầm tay của công chúng, thông qua những vở kịch, những bài thơ và những cuốn tiểu thuyết tập trung vào những truyền thống địa phương như tranh và đầy xúc cảm. Sự khẳng định tích cực về những giá trị địa phương sau này trở thành sự khinh miệt đối với người ngoài. Việc bảo vệ sự độc nhất của người Đức sớm trở thành sự khẳng định tính ưu việt của dân tộc Đức—và thay cho Đức, có thể nói Nga, Pháp, hoặc Anh—và nó có một sứ mệnh lịch sử mà, vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, hoặc chính trị, nó phải tiến hành trên sân khấu thế giới. Các dân tộc khác sẽ phải tuân thủ hoặc bị trừng phạt nếu bất tuân. Đây là con đường dẫn đến những đại thảm họa năm 1914 và 1939. Cũng con đường đó đã dẫn đến việc Mỹ Latin duy trì sự Balkan hóa vô lý của thời kỳ thuộc địa và tiến hành những cuộc chiến đẫm máu để duy trì hoặc sửa đổi những đường biên giới mà trong mọi trường hợp đều đơn thuần là nhân tạo, không có bất kỳ căn cứ về sắc tộc, địa lý, hay truyền thống nào.
Luận đề của Sir Isaiah Berlin, được lập luận một cách kỳ diệu trong suốt tám tiểu luận trong tuyển tập (và chúng ta phải cảm ơn Henry Hardy: ông đã đảm bảo công trình rộng lớn của vị giáo sư người Latvia này không còn nằm rải rác trên vô số tập san học thuật), là chủ nghĩa dân tộc là một học thuyết hoặc một trạng thái tinh thần, hoặc cả hai, sinh ra như một phản ứng trước utopia, một xã hội phổ quát và hoàn hảo. Chúng ta có thể nói thêm rằng chủ nghĩa dân tộc cũng là một utopia, không kém thực tế hay nhân tạo hơn các utopia khác vốn chủ trương một xã hội phi giai cấp, nền cộng hòa công chính, thuần chủng hoặc chân lý khải thị.
Chính ý tưởng về dân tộc lại ngụy biện, nếu chúng ta nhận thức nó như một dạng thức của một thứ đồng nhất và lâu đời, trong đó ngôn ngữ, truyền thống, thói quen, phong tục, tín ngưỡng, và các giá trị chung tạo nên một tính cách tập thể khác biệt rõ ràng với các nhóm người khác. Trong ý nghĩa này, các dân tộc không tồn tại và cũng chưa bao giờ tồn tại trên thế giới. Gần nhất với mô hình giả tưởng này là các xã hội cổ xưa và man di mà những kẻ bạo chúa hoặc sự cô lập đã tách khỏi hiện đại và gần như tách khỏi lịch sử. Các xã hội khác đều cung cấp một khuôn mẫu, trong đó các cách sống, nói, tin, và nghĩ khác nhau có thể cùng tồn tại. Việc chúng ta quyết định sống như thế nào có liên quan nhiều đến lựa chọn cá nhân hơn đến truyền thống hay gia đình hay ngôn ngữ mà chúng ta lớn lên trong đó. Thậm chí ngôn ngữ, dấu hiệu có lẽ chân thật nhất của bản sắc xã hội, cũng không thể nói là đồng nghĩa với dân tộc. Bởi lẽ gần như mọi dân tộc đều nói những ngôn ngữ khác nhau—cho dù có một ngôn ngữ chính thức—và bởi, với rất ít ngoại lệ, gần như mọi ngôn ngữ đều thoát khỏi biên giới quốc gia và tìm cách riêng vào thế giới.
Không dân tộc nào phát triển tự nhiên và tự phát từ một nhóm sắc tộc, tôn giáo, hoặc truyền thống văn hóa duy nhất. Chúng đều xuất hiện từ sự tùy tiện chính trị, từ sự tước đoạt hoặc âm mưu đế quốc, những lợi ích kinh tế thô, sức mạnh bạo lực kết hợp với may mắn, và mọi dân tộc, ngay cả những dân tộc lâu đời và nổi bật nhất, đều dựng lên biên giới của mình từ một khu vực bị tàn phá của các nền văn hóa bị hủy diệt hoặc đàn áp hoặc tan rã, hợp nhất những người đến với nhau qua các cuộc chiến tranh, xung đột tôn giáo, hoặc do bản năng sinh tồn đơn thuần. Mỗi dân tộc là một lời nói dối mà thời gian và lịch sử mang lại—như trong thần thoại xưa hay truyền thuyết cổ điển—vẻ sự thật.
Nhưng đúng là những utopia lớn của hiện đại—chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Quốc xã, thứ tìm cách xóa bỏ biên giới và tái trật tự thế giới—chỉ tỏ ra mong manh và nhất thời hơn thế. Chúng ta có thể nhận thấy điều này đặc biệt là trong những ngày này, với sự sụp đổ chóng vánh của chủ nghĩa toàn trị Xô viết, khi chủ nghĩa dân tộc tái sinh từ tro tàn trong những nước nằm trong chế độ Xô viết trước đây và có nguy cơ sẽ trở thành lời kêu gọi ý thức hệ lớn cho những người đang tìm cách đòi lại chủ quyền của mình.
Do đó, ở ngưỡng cửa của thời kỳ lịch sử mới, nên nhớ rằng chủ nghĩa dân tộc không hề tương thích với văn hóa dân chủ hơn với chủ nghĩa toàn trị. Và, nếu cần chứng minh, hãy đọc tiểu luận sắc sảo mà Isaiah Berlin đề tặng Joseph de Maistre, một nhà phản động xuất sắc và người cha của mọi chủ nghĩa dân tộc. Berlin nhìn nhận ông không như ông thường được mô tả, một người suy thoái, một nhà tư tưởng quay lưng với hiện tại, mà thay vào đó, như một tầm nhìn khủng khiếp và ngôn sứ của những sự kiện khải huyền ngu dân mà châu Âu phải chịu đựng trong thế kỷ 20.
Chủ nghĩa dân tộc là văn hóa của kẻ vô văn hóa, tôn giáo của kẻ mị dân, và tấm màn khói mà định kiến, bạo lực, và thường có cả phân biệt chủng tộc ẩn nấp đằng sau. Bởi nằm ở gốc rễ của mọi chủ nghĩa dân tộc là niềm tin rằng việc là một phần của một dân tộc cụ thể là một đặc tính, một thứ đặc biệt, một bản chất được chia sẻ bởi những người có đặc quyền tương tự, một điều kiện chắc chắn tạo ra sự khác biệt—sự phân cấp—với những người khác. Không gì trong thế giới này dễ hơn việc dùng lá bài dân tộc chủ nghĩa để lôi kéo một đám đông, đặc biệt nếu họ là những người nghèo và thiếu hiểu biết đang tìm cách trút cay đắng và thất vọng của mình lên thứ gì đó hay ai đó. Không gì tốt hơn những màn pháo hoa của chủ nghĩa dân tộc để khiến họ sao nhãng những vấn đề thực sự của mình, để che mắt họ trước những người thực sự bóc lột mình, bằng cách tạo ra một ảo tưởng sai lầm về sự thống nhất. Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa dân tộc là hệ tư tưởng vững chắc và lan rộng nhất trong cái gọi là Thế giới thứ Ba.
Tuy nhiên, đúng là ngày nay, cùng với sự sụp đổ của utopia tập thể, chúng ta đang chứng kiến sự thoái trào chậm chạp của dân tộc, việc loại bỏ kín đáo các đường biên giới. Không phải kết quả của một cuộc tấn công ý thức hệ, một cuộc tấn công khác của utopia, mà là kết quả của sự tăng trưởng thương mại và doanh nghiệp đã hạ những rào cản quốc gia. Sự linh hoạt của các xã hội dân chủ đã cho phép quốc tế hóa các thị trường, vốn, công nghệ, và phát triển các tập đoàn công nghiệp và tài chính lớn, mở rộng khắp các quốc gia và châu lục. Và hệ quả của tất cả những điều này là đã có những bước đi hướng đến hội nhập kinh tế và chính trị, ở châu Âu, châu Á, và châu Mỹ, bắt đầu thay đổi diện mạo của hành tinh
Quá trình quốc tế hóa rộng rãi đời sống của chúng ta có lẽ là điều tốt đẹp nhất từng diễn ra trên thế giới cho đến nay. Hoặc, chính xác hơn, do tiến trình hướng đến mục tiêu này không thể đảo ngược—các nhà dân tộc chủ nghĩa có thể làm gián đoạn—đó là điều tốt nhất có thể diễn ra. Nhờ quá trình này, các nước nghèo sẽ giảm nghèo, do họ có thể gia nhập các thị trường mà họ có thể sử dụng những lợi thế so sánh của mình với hiệu quả cao, và các nước vốn thịnh vượng sẽ đạt được các mức phát triển khoa học và công nghệ mới. Và, quan trọng hơn, văn hóa dân chủ—văn hóa của cá nhân có chủ quyền và của xã hội dân sự và đa nguyên, văn hóa của nhân quyền và thị trường tự do, của doanh nghiệp tư nhân và quyền chỉ trích, văn hóa của quyền lực phi tập trung—sẽ lớn mạnh hơn trước và sẽ mở rộng đến các nước nơi hiện nay nó chỉ là một bức biếm họa đơn thuần hay một khát vọng đơn giản.
Có phải trong đó có một tiếng vọng utopia? Dĩ nhiên. Và, ngay cả trong những trường hợp tốt nhất, nó vẫn là một khả năng xa vời, sẽ không thể đạt được mà không có những bước lùi hay tụt hậu. Nhưng nó đã ở đây, lần đầu tiên, trước mặt chúng ta. Và tùy vào chúng ta mà nó sẽ trở thành một thực tại hoặc biến mất như một đốm ma trơi.
Copyright © 2007 Mario Vargas Llosa | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.