Nguyễn Huy Hoàng

the star is fading

Sự bền bỉ của các tạp chí văn chương

litmags.jpg

Nguồn: Stephanie Burt, “The Persistence of Litmags,” The New Yorker (July 7, 2015).

Biên dịch: Tram Nguyen | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Sao mà bạn lại muốn mở một tạp chí văn chương? Bạn sẽ không giàu, thậm chí không quá nổi tiếng. Bạn sẽ phải tiếp tục công việc thường ngày của mình, trừ khi bạn là sinh viên hoặc giàu có đến mức không cần đến một công việc như vậy. Bạn và những người bạn may mắn của bạn và những người bạn thuê—nếu bạn đủ tiền trả cho họ—sẽ bỏ thời gian và sức lực của mình vào việc dàn trang, kế toán, phân phối, lập trình Web và bảo trì kỹ thuật số, cùng các buổi đọc trước công chúng và tiệc và gây quỹ quần chúng và các cách thuyết phục các nhà tài trợ lớn hoặc nộp đơn xin tài trợ để có thể phát hành số thứ hai, rồi số thứ ba. Bạn sẽ mất khoảng thời gian mà bạn có thể dành riêng cho tiểu luận hay văn thơ của mình. Rồi khi đã tồn tại, tạp chí của bạn sẽ vỗ cánh vào một thế giới chật ních các tạp chí, như chiếc máy bay giấy lao vào thùng rác, hoặc đưa lên mạng vốn đầy rẫy các trang văn chương. Sao lại làm một việc như thế?

Thế mà người ta vẫn làm, như họ đã làm hàng thập niên nay—không, hàng thế kỷ nay, mặc dù việc in ấn rẻ hơn trong thế kỷ 18, những chiếc máy in Ditto trong những năm 1960 và 1970, công nghệ in offset, và nền tảng xuất bản Web trong hai thập niên qua đã giúp điều đó ít nhất có vẻ cũng trở nên dễ dàng hơn đối với mỗi thế hệ mới. Năm 1980, Nhà xuất bản Pushcart—được biết đến với giải Pushcart—xuất bản một viên gạch sách dày 750 trang, “The Little Magazine in America,” gồm những hồi ký và các cuộc phỏng vấn với chủ biên của các tạp chí nhỏ. “The Little Magazine in Contemporary America,” tập phỏng vấn và tiểu luận nhỏ gọn hơn nhiều được xuất bản hồi tháng Tư (2015), nhìn lại những năm từ đó đến nay, những năm chứa đựng—theo các chủ biên của cuốn sách, Ian Morris và Joanne Diaz—“hồi kết cho sự trỗi dậy của các ấn phẩm in,” có nghĩa là các tạp chí văn chương nhỏ có chất lượng tốt nhất đã chuyển lên mạng.

Đúng thế, và không có gì lạ: đó là nơi có độc giả. Tờ DIAGRAM (thơ, tiểu luận, và biểu đồ) lập dị của Ander Monson cho biết có 40.000 khách truy cập mỗi tháng năm 2014. Không tạp chí văn chương bản in nào có thể đem đến cho một bài thơ sức lan tỏa như bài “Rape Joke” của Patricia Lockwood, được lưu hành nhiều lần trên Internet sau khi xuất hiện trên tờ The Awl. Xuất bản Web, theo lời Monson, không còn trông như “thơ viết trên bảng phoóc trắng,” mà trông “hữu hình, thực tế, lâu bền, và chuyên nghiệp” như các tạp chí in—được độc giả hay các trường đại học hỗ trợ—còn lưu hành, từ Bitch đến Yale Review. Không hẳn là chúng ta không cần hay không đọc các tạp chí in nữa, mà có thể chúng ta không cần thêm nhiều tạp chí như vậy—khi chúng ta có thể đọc được rất nhiều (và bớt đốn cây) nhờ có những màn hình.

Câu chuyện xuất bản kỹ thuật số của các tạp chí nhỏ có thể tìm được trong tiểu luận đầu và một vài tiểu luận cuối trong 22 tiểu luận có trong cuốn sách của Morris and Diaz. Bạn sẽ thấy những câu chuyện khác, một số có thể Diaz và Morris không hẳn đã nhận ra là sách của mình có kể. Đọc cuốn này từ đầu đến cuối, có thể bạn sẽ thấy khó chịu bởi những lời cảm ơn theo phong cách đêm Oscar, và bởi những lời tự khen ngợi: “Chúng tôi đã liên tục đưa trí phê phán và óc tưởng tượng sáng tạo vào với nhau”; tờ Bitch “đã phỏng vấn… những con người mà chúng tôi thực sự ngưỡng mộ, quý mến, và muốn trò chuyện cùng”; vân vân. Bạn cũng có thể sẽ nhận ra mối tương quan yếu ớt giữa việc vận hành một tạp chí văn chương với việc viết thứ văn xuôi rõ ràng, không sáo. Lee Gutkind, chủ biên tờ Creative Nonfiction, nói ông thành công là nhờ “suy nghĩ vượt khuôn khổ bằng một thế giới quan và huy động sức mạnh của quần chúng” khi tạp chí của ông “đi từ ý tưởng đến thực tế.” Tờ Alaska Quarterly Review, theo chủ biên của nó, “tiếp tục đóng vai trò như một cái nồi nấu kim loại ở tiền tiêu,” có lẽ là nấu chảy những binh đoàn bộ binh lạc hậu.

Nhưng những khía cạnh này trong các tiểu luận yếu hơn đều củng cố luận điểm mà tất cả những tiểu luận mạnh hơn đưa ra: mỗi số của mỗi tạp chí văn chương đều đòi hỏi người ta phải làm công việc “biên tập, dàn trang, đàm phán,” như Carolyn Kuebler của tờ Rain TaxiNew England Review nói, “việc lập kế hoạch và tổ chức và làm cho xong.” Họ có thể có, có thể không viết ra được những câu văn lấp lánh, nhưng nếu tự bạn viết ra được những câu văn lấp lánh thì bạn phải phụ thuộc vào họ—và nên tôn trọng họ—nếu bạn muốn những câu văn ấy được người ta đọc.

Tuy nhiên, có một nhóm sản xuất danh tiếng, những trang giấy trang nhã, và một khoản ngân sách cân bằng thôi chưa đủ để đưa những câu văn ấy đến trước người đọc: để một tạp chí văn chương thành công, ngày nay cũng như năm 1974, khi Joyce Carol Oates và Raymond Smith phát hành tờ Ontario Review—hay như năm 1802, khi Francis Jeffrey cùng ba người bạn phát hành tờ Edinburgh Review, cho in những tiểu luận-bài điểm nổi tiếng là gay gắt (và dài) khảo cứu sản phẩm văn chương thời ấy ở mức độ chi tiết hơn, và nghiêm túc hơn, so với các tạp chí ra đời trước đó—thì bạn phải làm được điều gì đó trước đây chưa được làm tốt. Bạn có thể dùng nhiều que đo khác nhau để đánh giá xem một tạp chí văn chương có “thành công” hay không: tuổi thọ, độ ổn định tài chính, ảnh hưởng đối với các nhà văn mới, số lượng độc giả, số lượng người bắt chước cho ra những tạp chí rất giống tạp chí của bạn. Nhưng những kiểu thành công này suy cho cùng đều là liệu tạp chí của bạn có đem đến điều gì mới cho khung cảnh của nó hay không.

*

Nếu bạn và bạn của bạn đang thực sự tạo ra một kiểu thơ hoặc văn xuôi mới—cái gì đó mà các thể chế hiện tại và tiêu chuẩn về gu của họ sẽ không chấp nhận—thì điều đó sẽ giúp ích. Bruce Andrews gọi tạp chí L=A=N=G=U=A=G=E của ông, xuất bản từ năm 1978 đến năm 1981, là một “cỗ xe diễu hành di động, không phải một pháo đài hay tượng đài.” Nhờ L=A=N=G=U=A=G=E và các tạp chí chị em của nó ở D.C. và miền Tây Duyên hải Hoa Kỳ mà bất cứ ai nghiêm túc quan tâm đến thơ đương đại đều biết về các “nhà thơ ngôn ngữ” với phong cách mới khó đọc chối bỏ cả chủ nghĩa tư bản lẫn ý nghĩa văn xuôi rõ ràng trong thơ. Thơ của họ lúc ban đầu—và những lý thuyết của họ về nó—không bao giờ có thể xuất hiện trên tờ The New Yorker hay Poetry khi ấy (bây giờ thì có): họ cần không gian mà các tạp chí của riêng họ có thể cung cấp.

Và thành công của họ cho thấy vì sao các tạp chí nhỏ lại quan trọng hơn, và làm tốt hơn, khi mục tiêu của họ mới hơn và lạ hơn. Một tạp chí nhỏ, như Jonathan Farmer của tờ At Length giải thích, “thì phụ thuộc vào việc tạo ra một cộng đồng,” và cộng đồng ấy phải có một raison d’être nào đó, về thẩm mỹ hay ý thức hệ hay sắc tộc hay địa lý hay thậm chí là thế hệ: một phần mục tiêu của tạp chí online lớn Illuminati Girl Gang của nhà thơ alt-lit Gabby Bess là các nhà thơ và nghệ sĩ của nó lên tiếng với, cho, và về các nhà nữ quyền vừa mới bước ra khỏi tuổi teen.

Cái mà một tạp chí văn chương mới không nên trở thành chỉ đơn giản là một nhóm huấn luyện: chúng ta đã có rất nhiều những nhóm như vậy. Nếu bạn không có một quan điểm thẩm mỹ cụ thể, một cách đọc, hoặc một lối viết mới mà bạn muốn thúc đẩy thì có thể bạn muốn tìm một kinh nghiệm biên tập hoặc một nơi cho khiếu thiết kế của mình. Có khi bạn chỉ muốn nâng đỡ cho bạn bè. (“Nghệ thuật, không bắt đầu ở đó, thì ít ra cũng kết thúc,” W. H. Auden viết, “trong cố gắng làm vui lòng bè bạn.”) Có khi chỉ là bạn muốn có những dự án để chia sẻ với bạn bè (có khi họ sẽ không còn là bạn sau khi các bạn cãi nhau về bìa cho số thứ bốn). Nhưng sao—trừ người quen biết cá nhân bạn—một nhà văn nổi tiếng với nhiều lựa chọn khác lại trao cho bạn tác phẩm của họ? Sao một độc giả có thể chọn nhiều tạp chí khác lại chọn tạp chí bạn?

Nếu  những mục tiêu xác định hoặc một thẩm mỹ rõ ràng thì bạn có được một lý do để thu hút các nhà văn và độc giả và nhà tài trợ mà không phải là bạn bè bạn—dù nếu quen biết thì ít có khả năng họ từ chối bạn hơn, ít nhất là ít hơn một chút. Keith Gessen nói n+1 ra đời vì “chúng tôi ở New York, nơi mọi thứ có thể bắt đầu bước đà của riêng mình,” nhưng anh không bước đà ấy bắt nguồn từ đâu; ít thuyết phục nhất trong những mệnh đề trong cuốn sách này là quan niệm rằng, nhờ có Web, nơi bạn sống không còn quan trọng. Lợi thế của cuộc sống trong một trung tâm văn hóa vẫn chưa biến mất, dù có giảm. Bạn có thể bắt đầu một tạp chí Web, đăng bài của bạn bè, và đề nghị các nhà văn có tiếng hơn góp bài, nhưng gặp được họ vẫn tốt; và nếu muốn gặp được họ thì việc bạn sống, hoặc từng sống, ở Toronto hay San Francisco hay New York sẽ giúp ích.

Nếu chuyển đi, bạn có thể đến một trường đại học, dạy sinh viên cách điều hành một tạp chí, hoặc ít nhất nhờ các em đọc các bài gửi đến. Các tạp chí văn và thơ tồn tại lâu hơn một vài năm cuối cùng gần như luôn luôn dựa vào giới học thuật, ngay cả khi họ bắt đầu tấn công nó; việc hy sinh tính độc lập trên danh nghĩa là một cái giá rẻ để đổi lại một nguồn thực tập sinh và thực tập viên, một cái bàn, một phòng nhân sự, và một hòm thư chắc chắn. Nhưng loại hình hỗ trợ từ trường đại học này hầu hết là khả dụng cho các tạp chí phù hợp với một chương trình học thuật nhất định về sáng tác văn chương. Các tạp chí mới lạ không phù hợp—ví dụ như tờ Lady Churchill’s Rosebud Wristlet (giả tưởng và viễn tưởng khoa học) hay The Comics Journal (trao đổi và phê bình về truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa)—thì phải tìm cách khác để sống.

Bạn có thể quảng bá một gu hoặc một thể loại (tờ Creative Nonfiction), hay một nơi chốn hoặc một nhóm dân số (Asian American Literary Review), hoặc kết hợp (Callaloo, ban đầu là địa điểm dành cho “các nhà văn Mỹ gốc Phi ở miền Nam”). Rain Taxi hầu như không xuất bản gì ngoài các bài điểm sách và phỏng vấn tác giả; trong mục thơ, At Length chỉ xuất bản những bài quá dài đối với hầu hết các tạp chí văn chương. (Seattle Review cũng vậy.) Đây đều là những lý do tốt để bắt đầu tạp chí văn chương của riêng bạn. Và đó không phải là những lý do duy nhất. Một tạp chí mới cần có một lý do để tồn tại: một khoảng trống mà các tạp chí ra đời trước chưa thể lấp đầy, một hình thức giải trí mới, một lối viết mới, một liên minh với một phong trào xã hội mới hoặc chưa được ghi nhận đầy đủ, một nhóm tác giả mà nhu cầu đối với tác phẩm của họ trong tương lại vượt quá nguồn cung hiện tại, một chương trình sẽ thực sự thay đổi một phần nhỏ trong gu đọc của một số độc giả văn chương. Điều này vẫn chưa hề thay đổi với sự trỗi dậy của Web. Một thực tế lớn khác về những tạp chí nhỏ nổi lên từ cuốn sách của Diaz và Morris, hay từ một ngày ở bên cạnh bất cứ ai điều hành một tờ như thế, cũng vậy: tự mình làm thì rất mệt, dẫu vui.

Stephanie Burt (1971–) là nhà thơ và nhà phê bình văn học người Mỹ. Cô là giáo sư ngành văn học Anh tại Đại học Harvard. Tập thơ mới nhất của cô là Advice from the Lights: Poems (2017).

Một bản của bản dịch này được in trên báo Văn nghệ số 12/2018.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Information

This entry was posted on March 3, 2018 by in Văn chương & Phê bình, Văn hóa & Xã hội and tagged .

Categories

Archives

Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

%d bloggers like this: